Đề xuất lập hồ sơ, đề cử Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
(BĐ) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ký văn bản, gửi Bộ VH-TT&DL về việc đề xuất lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO đề cử ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Văn bản nêu rõ: Nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và định hướng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị của một di sản nghệ thuật trình diễn truyền thống trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm xem xét, có văn bản trình Chính phủ đưa di sản Võ cổ truyền Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO ghi danh, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời có ý kiến chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản Võ cổ truyền Bình Định trong giai đoạn 2021 - 2025.
Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét. Năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền, ngôi nhà chung của các làng võ cổ truyền Bình Định, nơi bảo trợ trên 100 võ đường võ cổ truyền Bình Định.
Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, CLB võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định đã có nhiều võ đường được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.
TRỌNG LỢI