Trường Đại Học Quy Nhơn: Chuyển mình, đón bắt cơ hội
Mở thêm ngành, chuyên ngành mới, đào tạo liên ngành, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp… những bước chuyển động trong đào tạo nhân lực khối ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học đang được Trường ĐH Quy Nhơn tập trung ưu tiên.
Mở thêm ngành mới, đào tạo liên ngành
Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2030 là Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đồng thời, xây dựng thành công chính quyền số, đưa TP Quy Nhơn trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam. Nhu cầu nhân lực công nghệ cao, nhất là các ngành phục vụ chuyển đổi số đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính đến năm 2025, các công ty công nghệ ở Bình Định cần trên 3.000 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, nhất là các ngành khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thông tin… “Đón đầu” cơ hội này, Trường ĐH Quy Nhơn định hướng đào tạo Toán ứng dụng, đáng chú ý là đào tạo đại học chuyên ngành khoa học dữ liệu, và thạc sĩ ngành khoa học dữ liệu ứng dụng.
PGS.TS Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán và Thống kê, cho hay: Hiện nay, toán học và thống kê đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu và AI. Chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu do khoa chủ trì, với sự phối hợp chặt chẽ của khoa Công nghệ thông tin; thiết kế chương trình dựa trên sự tham khảo từ ĐH Quốc gia Singapore, tư vấn từ chuyên gia Công ty TMA Solutions Bình Định (TMA Bình Định), Công ty FPT Software Quy Nhơn (FSoft Quy Nhơn), các thành viên ĐH trực tuyến Funix, đặc biệt sự hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Viện Toán học Hà Nội. Năm đầu tiên tuyển sinh 2019, bậc đại học có 16 sinh viên; năm 2020 tuyển sinh 36 sinh viên; và tuyển sinh 2021 đến nay khoảng 50 sinh viên.
Phòng thí nghiệm lưới điện thông minh phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa hiện đại của Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: T. HIỀN
Bên cạnh sức hút của ngành Kỹ thuật điện và Kỹ thuật xây dựng, PGS.TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ cho hay, từ mùa tuyển sinh 2019 - 2020 đến nay, khoa mở thêm ngành mới Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, và các chuyên ngành Kỹ thuật điện - Công nghệ thông tin, Hệ thống nhúng và IoT. Khoa có 4 ngành gồm 6 chuyên ngành, những chuyên ngành “bão hòa” như Điện tử - Viễn thông cũng được tính toán lại chương trình đào tạo. Đặc biệt, với 30 tỷ đồng từ chương trình phòng thí nghiệm trọng điểm của Bộ GD&ĐT, khoa được đầu tư phòng thí nghiệm lưới điện thông minh phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa hiện đại bậc nhất trong các trường đại học cả nước.
Cũng thời điểm đó, ngành Khoa học vật liệu ra mắt các chuyên ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, Năng lượng tái tạo. Trong khi đó, kỳ tuyển sinh 2021, bộ môn Công nghệ kỹ thuật ô tô đón lứa sinh viên đầu tiên. Theo TS Nguyễn Văn Anh, Quyền Trưởng bộ môn, với lợi thế đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, tỉnh đang được xem là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư sản xuất ô tô. Vấn đề còn lại nằm ở nguồn nhân lực. Nhà trường tuyển sinh lứa đầu tiên hơn 100 chỉ tiêu, chương trình đào tạo được định hướng 30% tín chỉ gắn liền với thực hành cho sinh viên.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho hay, nhà trường phát huy thế mạnh trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó yếu tố sư phạm là lõi chiến lược và lấy khoa học cơ bản, đặc biệt là toán học, kỹ thuật và công nghệ thông tin làm nền tảng cho tất cả ngành nghề đào tạo của nhà trường. Định hướng phát triển các ngành ứng dụng cũng được ưu tiên. Những ngành nghề này sẽ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, đón đầu phát triển công nghiệp, công nghệ mới, nhất là chuyển đổi số.
Liên kết đào tạo
Theo PGS.TS Lê Công Trình, để đáp ứng yêu cầu “đặt hàng” về nhân lực đào tạo, việc liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với DN là hướng đi cần thiết và hiệu quả. Cả hai chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu đều có sự tham gia của các DN công nghệ xuyên suốt quá trình đào tạo, thực tế, thực tập và thực hiện khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Các DN còn cử chuyên gia giảng dạy một số môn học, giúp sinh viên, học viên hình dung rõ hơn về việc vận dụng lý thuyết vào giải quyết bài toán thực tế. Sinh viên từ cuối năm thứ nhất được gửi thực tập ít nhất 2 tháng tại TMA Bình Định và FSoft Quy Nhơn. Ngoài ra, sinh viên, học viên còn được hưởng lợi từ dự án tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup).
“30% nhân lực của đơn vị được tuyển dụng từ sinh viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn, chủ yếu cho bộ phận trực tiếp quản lý vận hành lưới điện. Yêu cầu công nghệ cao, nhất là điều khiển tự động và tự động hóa nên tiêu chí tuyển dụng của chúng tôi rất khắt khe. Thực tế cho thấy các bạn sinh viên tuyển dụng vừa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về kỹ thuật công nghệ vừa đáp ứng được công tác chuyển đổi số của đơn vị”.
Ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định
Nguyễn Nhật Nam, sinh viên năm 3 ngành Toán ứng dụng (khoa Toán và Thống kê) hiện là một trong 3 sinh viên được TMA Bình Định ký hợp đồng làm việc bán thời gian. Nam cho hay, tại TMA Bình Định, Nam tham gia làm dự án về cyber security (bảo mật mạng) cho một khách hàng ở Mỹ, với ứng dụng các công nghệ hiện đại như machine learning/deep learning (học máy, học sâu) để phát hiện các phishing pages (trang web độc hại, lừa đảo) - một trong những vấn đề nhức nhối khi internet phát triển kéo theo các hệ quả tiêu cực không mong muốn.
TMA Bình Định đã và đang hợp tác chặt chẽ với Trường ĐH Quy Nhơn trong đào tạo, thực tập và tuyển dụng, cùng với nhà trường xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao ngay tại miền Trung. Hiện, hơn 50% kỹ sư làm việc tại TMA Bình Định là cựu sinh viên của trường. Trước khi gia nhập TMA Bình Định, hầu hết các bạn đều đã “quen mặt” qua những buổi hội thảo, ngày hội việc làm… tổ chức ngay tại trường. Ngoài ra, các bạn cũng được tham gia khóa thực tập hoặc khóa học ngắn hạn tại công ty, do đó, đáp ứng tốt những yêu cầu về kỹ năng cho công việc. “TMA Bình Định đặt mục tiêu đạt 1.000 kỹ sư trong 5 năm tới, do đó chúng tôi có kế hoạch tuyển dụng trên 200 kỹ sư/năm, chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông, Khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, với nhu cầu tuyển dụng “khủng” như hiện tại, một mình Trường ĐH Quy Nhơn không thể đáp ứng đủ khi sinh viên tốt nghiệp những ngành trên chỉ ở mức dưới 200 sinh viên/năm. Để chiêu mộ đủ nhân tài, TMA Bình Định đã và đang mở rộng hợp tác, tuyển dụng đến nhiều trường khác ở miền Trung - Tây Nguyên”, ông Nguyễn Ngô Duy Bình, Giám đốc TMA Bình Định, chia sẻ.
HOÀNG ANH