ÔNG HỒ ĐẮC CHƯƠNG - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT:
Nhìn ngắm bà con cười vui là tôi hạnh phúc nhất!
Tính từ năm 2016 đến nay, Bình Định đã tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu thoát lũ. Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Bình Định còn đẩy mạnh kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa nhằm tham mưu kịp thời trong công tác điều tiết nước hồ chứa mùa lũ, giảm ngập lụt cho vùng hạ du.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT HỒ ĐẮC CHƯƠNG
Xung quanh việc phát huy vai trò của hệ thống thủy lợi Bình Định, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, Ủy viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh về vấn đề này.
Bình Định có 163 hồ chứa nước (tính các hồ chứa dung tích từ 50.000 m3 trở lên), trong đó có hồ lớn như: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh tham gia vào điều tiết lũ. Mùa mưa lũ năm 2016, sau khi bị thiệt hại tương đối nhiều, tỉnh ta quyết tâm đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống hồ chứa, kênh mương, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Những năm sau đó, nhiều công trình, dự án được triển khai vừa để khắc phục hậu quả thiên tai vừa tính toán để phòng ngừa, với tổng kinh phí hơn 1.567 tỷ đồng.
* Ông có thể đánh giá chung về hệ thống thủy lợi của tỉnh ta?
Khách quan mà nói, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, nhờ được tu chỉnh khá tốt, hệ thống thủy lợi ở tỉnh ta từng bước đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, PCTT trên địa bàn tỉnh, gián tiếp thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Đáng kể hơn cả là trong khuôn khổ Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), phần hưởng lợi của tỉnh Bình Định khá lớn - khoảng 1.228 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 ta đã hoàn thành công tác tái thiết, khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2016; với 80 km đê kè được kiên cố; 10 km kênh mương tưới, tiêu được sửa chữa, kiên cố; nâng cấp và xây dựng 5 công trình đập dâng trên lưu vực sông Côn, La Tinh, Lại Giang…
Đồng thời, để phát huy vai trò của các hồ chứa trong công tác PCTT, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định tập trung xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật lồng ghép với PCTT; trong đó ngân sách tỉnh đầu tư nâng cấp 12 hồ chứa, Bộ NN&PTNT cũng bố trí vốn để nâng cấp sửa chữa lớn 14 hồ chứa khác, sửa chữa 6 đập dâng, nhờ đó đã tăng khả năng thoát lũ và cải thiện điều kiện vận hành; xây mới đập dâng Phú Phong; xây dựng và hoàn thiện công trình chuyển nước từ kênh Văn Phong ra sông La Tinh; đưa hồ chứa Đồng Mít vào sử dụng phát huy tốt nhiệm vụ giảm lũ hạ du. Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành (GIS, viễn thám,)... để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm của tỉnh và đề xuất giải pháp ứng phó; các phần mềm ứng dụng đang được triển khai như quản lý lũ trên các sông Hà Thanh, sông Côn, đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phát huy hiệu quả.
Sau nhiều đợt thiên tai, tỉnh Bình Định tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi. Đến nay về cơ bản, hệ thống lợi trên địa bàn tỉnh từng bước phát huy vai trò trong tưới tiêu, đặc biệt là trong PCTT. Năm 2021, Bình Định gặp nhiều thiên tai, đánh giá thiệt hại giảm hơn so với năm 2016 - kết quả đó bên cạnh công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, sự chủ động của người dân, còn có đóng góp không nhỏ đó là hệ thống thuỷ lợi. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2021, nhờ tham mưu đúng và kịp thời, Bình Định không còn tình trạng “lũ chồng lũ” ở vùng hạ lưu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương (bìa trái) kiểm tra hệ thống đê kè trước mùa mưa bão năm 2021 tại TX Hoài Nhơn. Ảnh: THU DỊU
*Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của hệ thống hồ thủy lợi trong PCCT?
Hồ chứa được xây dựng làm nhiệm vụ tích nước phục vụ sản xuất, trong những tình huống khẩn cấp, hồ chứa tham gia vào quá trình điều tiết, cắt lũ cho hạ lưu. Nhìn vào thông tin lượng nước về hồ và lượng nước xả điều tiết là hiểu rõ năng lực cắt lũ của hồ chứa.
Cứ hình dung thế này nhé, vào thời điểm Bình Định đón đợt mưa lũ lớn cuối tháng 10.2021, hồ Định Bình đón vào một lượng nước khoảng 400m3/s nhưng lượng nước qua tràn chỉ ở mức 202m3/s, như vậy sẽ thấy ngay hồ Định Bình đã giữ lại lượng nước lớn đến đâu, giảm áp lực ngập tràn ở hạ lưu như thế nào.
Tương tự là hồ Đồng Mít, ngay thời điểm mưa lũ dồn dập, hồ đã giữ lại 18 triệu khối nước. Thử hình dung nếu chừng ấy nước dồn xuống hạ lưu thì nguy cơ ngập lụt sẽ nặng đến mức nào.
Tất nhiên việc tham gia điều tiết lũ phụ thuộc lớn vào các dữ liệu quan trắc, các thông tin về lượng mưa và diễn biến của thời tiết để Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa đưa ra quyết định điều tiết lũ qua tràn; giữ lại thế nào và xả ra bao nhiêu…tất cả đều được tính toán hết sức chi li, nhiều trường hợp phải có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT -TKCN&PTDS tỉnh.
Với việc nâng cấp hệ thống hồ chứa, hoàn thiện kênh mương nội đồng, cùng với đó là là nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng nước, Bình Định từng bước giải quyết được bài toán khô hạn, thiếu nước cục bộ. Trong đó, vụ sản xuất Hè Thu 2019, nhờ kiểm đếm nguồn nước sau vụ Đông Xuân, dự báo thời tiết vụ Hè Thu khá chính xác, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh quyết định ngưng sản xuất 5.600 ha diện tích ruộng thiếu nước nhằm giảm chi phí cho nông dân, đồng thời điều chỉnh sớm lịch thời vụ 15- 20 ngày để tận dụng nước còn lại của vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu 2022, nhờ tích nước đạt 93% dung tích thiết kế (bình thường dung tích chỉ còn 65%), Bình Định sẽ tổ chức sản xuất tối đa các diện tích lúa và cây trồng cạn với tổng diện tích 64.177 ha, bao gồm: Công tyTNHH Khai thác CTTL tưới 35.930 ha, các địa phương tưới 28.246 ha.
Nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp, hoạt động sản xuất của người dân thuận lợi hơn. - Trong ảnh: Nông dân trong tỉnh thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: THU DỊU
*Thưa ông, có vẻ như hệ thống thủy lợi Bình Định tham gia chống hạn khá tốt?
(Mỉm cười) Thì chúng ta đầu tư rất nhiều cho hệ thống thủy lợi, nói tóm tắt là để cấp nước vào mùa khô và giảm lũ lụt vào mùa mưa mà! Toàn tỉnh hiện có 4 hệ thống thủy lợi: Sông Côn - Hà Thanh, La Tinh, Bắc Phù Mỹ và Lại Giang. Năm 2022, khi hồ chứa nước Đồng Mít hoàn thiện sẽ tạo thành hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang, cung cấp nước cho tưới tiêu, sinh hoạt cho khu vực cánh Bắc của tỉnh.
Chẳng hạn, hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang (gồm hồ thủy lợi Đồng Mít và đập ngăn mặn Lại Giang) đảm bảo tưới cho mùa khô và cắt lũ tốt cho mùa mưa. Trước đây khu vực ven sông Lại Giang (đoạn thuộc TX Hoài Nhơn) thiếu nước từ giữa tháng 4 hoặc chậm là đến đầu tháng 5 là thiếu nước tưới, người dân không an tâm sản xuất vụ Hè Thu. Ngược lại đến mùa mưa thì vùng này thường xuyên bị ngập lụt nặng. Khi Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít, tỉnh Bình Định tranh thủ đi trước đón đầu bằng việc xây dựng đập ngăn mặn Lại Giang vừa giữ nước sản xuất mùa khô, vừa tiêu thoát lũ mùa mưa.
Nói về giải bài toán khô hạn, hệ thống đập dâng và kênh tưới Văn Phong là một ví dụ xuất sắc. Nhờ nước tưới của Văn Phong mà cả một vùng rộng lớn trải từ Tây Sơn sang Phù Cát theo đó mà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Cứ thử hỏi chủ những ruộng đậu phụng ở Phù Cát, những vườn cam quýt ở Tây Sơn… thì rõ thôi.
Trong năm 2022, Sở tiếp tục hoàn thiện “Đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh Bình Định” nhằm mở rộng vùng hưởng lợi đến các vùng khô hạn cục bộ. Trong việc PCTT hay phòng chống hạn, quan trọng vẫn là sự “ủng hộ” của thời tiết, mưa thuận gió hòa thì việc vận hành thuận lợi. Con người với công nghệ góp một phần nhỏ vào việc dự báo sớm, cảnh báo sớm để chủ động ứng phó, kéo giảm thiệt hại.
* Một câu hỏi bên lề, là người gắn bó với lĩnh vực thủy lợi đã nhiều năm, điều gì khiến ông thấy vui nhất?
Nói thật không phải chỉ vui đâu, mà tôi thấy rất hạnh phúc, mưa to mà bà con không bị lụt, nắng lớn mà bà con vẫn được mùa - nhìn ngắm bà con cười vui là tôi hạnh phúc nhất!
*Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)