LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TÌM CƠ HỘI PHÁT TRIỂN:
Linh hoạt sản xuất, thích ứng nhu cầu thị trường
Nhờ linh hoạt trong sản xuất, thích ứng nhanh với các yêu cầu của thị trường, đến nay đã có 15/57 làng nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh ta hoạt động tốt, duy trì cuộc sống ổn định cho người theo nghề.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), đến nay toàn tỉnh có 57 làng nghề với 6.723 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động địa phương. Trong số đó, có 15 làng nghề được công nhận theo Nghị định số 52/2018/ NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (viết tắt Nghị định 52) phát triển tốt. Các làng nghề này có nhiều thay đổi, đặc biệt sự thích ứng trong bối cảnh mới duy trì được cuộc sống cho người dân làm nghề, như các làng nghề: Làng mai Nhơn An, làng nón lá Nhơn Mỹ, làng rèn Tây Phương Danh ở TX An Nhơn; các làng bún, bánh, đặc sản ở TX Hoài Nhơn; làng nón Thuận Hạnh ở huyện Tây Sơn.
Nghề trồng mai cảnh ở An Nhơn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong nhóm 15 làng nghề, làng nghề truyền thống kể trên, TX An Nhơn chiếm tỷ lệ lớn với 11 làng nghề. An Nhơn vốn là “đất trăm nghề”, những thăng trầm của thời gian khiến nhiều làng nghề mai một dần. Song, với những làng nghề tìm được chỗ đứng, thì đến nay đều phát triển tốt nhờ những thay đổi tích cực trong tiếp cận kỹ thuật mới, đáp ứng nhanh thị hiếu của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, với làng rèn Tây Phương Danh (Đập Đá, TX An Nhơn), 100 hộ làm nghề ở đây đầu tư máy móc, thiết bị để chuyên môn hóa sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như cuốc, xẻng, phảng cỏ; nhiều hộ tìm thêm các sản phẩm mới như sản xuất đinh ốc dùng cho việc đóng tàu biển.
Nói về việc thích ứng để phát triển, phải kể đến các làng mai cảnh ở TX An Nhơn. Từ làng mai truyền thống Háo Đức (Nhơn An) đến nay thị xã đã có thêm 4 làng mai được công nhận làng nghề theo Nghị định số 52 gồm: Làng mai Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái và Tân Dương. “Nhu cầu về chơi mai của thị trường càng tăng, đặc biệt là mai vàng Bình Định kiểu dáng bonsai được nhiều khách hàng miền Bắc chuộng. Nhận thấy cơ hội tốt, thay vì tập trung phát triển mai xuân đại trà, tôi lựa chọn đầu tư vào mai dáng bonsai các loại phục vụ cho khu vực phía Bắc, giảm cạnh tranh so với thị trường miền Trung hoặc Tây Nguyên. Nghề trồng mai mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây” - ông Lê Thanh Tuấn, chủ một vườn mai ở Thanh Liêm khẳng định.
Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Với các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, thời gian qua, thị xã ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ người dân đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng các sản phẩm OCOP cho làng nghề, xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Với riêng cây mai, hiện An Nhơn là địa phương đầu tiên quy hoạch vùng sản xuất mai tập trung với quy mô 75 ha phân bố ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong; đầu tư nâng cấp hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân an tâm sản xuất.
Theo đánh giá của Chi cục phát triển nông thôn, hầu hết các cơ sở làng nghề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể. Về vốn đầu tư, các cơ sở làng nghề chủ yếu mua sắm thiết bị, công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhà xưởng phần lớn là tận dụng nhà ở bố trí sản xuất. Thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề từ 3 - 6 triệu đồng/người/ tháng, tùy thuộc vào ngành nghề. Tuy còn nhiều khó khăn trong phát triển, song không thể phủ nhận vai trò của làng nghề, làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn trong tạo việc làm và ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, hiện Chi cục phối hợp với các địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; nhằm giúp các địa phương quy hoạch lại, lựa chọn và hỗ trợ cho các làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về chính sách trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phối hợp với các ngành chức năng liên quan tôn vinh các nghệ nhân, các thợ lành nghề, tạo động lực để duy trì nghề truyền thống.
THU DỊU