Hành trình của những trăn trở khôn nguôi
Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh ở đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) là hành trình đằng đẵng gian khổ với sự trăn trở khôn nguôi của những người ở cả hai chiến tuyến.
Đầu tháng 8 vừa qua, một nhóm CCB Mỹ từng tham chiến tại trận đánh ở đồi Xuân Sơn vào tháng 12.1966 đã trực tiếp trở lại thực địa để hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) bộ đội ta. Các CCB Mỹ sang Việt Nam lần này gồm: Stephen Holmes Hassett (76 tuổi), Kinbourne Lo (79 tuổi), Ivory Whitaker Jr (74 tuổi) và Spencer John Matteson (75 tuổi).
Khu vực đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân. Ảnh: DŨNG NHÂN
KÝ ỨC KHÔNG MUỐN NHẮC TỚI
Thẫn thờ và lặng lẽ, các CCB Mỹ rảo bước chậm rãi lên Bãi Đáp Chim - LZ Bird (tên phía Mỹ gọi khi nói về đồi Xuân Sơn), nơi họ từng trực tiếp tham chiến. Ký ức ùa về. Các CCB Mỹ chia sẻ rằng đó là một ký ức tồi tệ mà họ không muốn nhắc tới. Spencer John Matteson nhập ngũ vào mùa thu 1965, khi mới 18 tuổi. Ông phục vụ trong quân đội 3 năm, ở Việt Nam 1 năm (tháng 5.1966 - 5.1967), thuộc Sư đoàn kỵ binh 1.
“Tôi nhận lời kết nối những người từng tham gia trận đánh, thu thập thông tin từ các nguồn khác để giúp tìm HCLS bộ đội Việt Nam vì nghĩ đây là cơ hội sửa chữa lỗi lầm và xoa dịu nỗi đau do chúng tôi gây ra. Chúng tôi đang cố gắng và thực hiện việc này một cách chân thành, như thể những người đang nằm lại đây là đồng đội của mình”.
CCB SPENCER JOHN MATTESON
“Chúng tôi được thông báo đến đây để chống lại cộng sản, bởi chủ nghĩa cộng sản là xấu và dân chủ mới tốt. Chúng tôi thực sự không có động lực chiến đấu, ngoài việc cố gắng sống sót. Hôm nay trở lại Xuân Sơn lần 2, hàng nghìn ký ức quay trở lại với tôi về cái đêm kinh hoàng đó. Nó khiến tôi bị chìm trong nỗi sợ hãi về chết chóc”, ông tâm sự.
Còn cựu phóng viên chiến trường Stephen Holmes Hassett - người chụp bức ảnh bộ đội ta hy sinh tại trận địa Xuân Sơn trước khi chôn, nói rằng điều ám ảnh nhất của ông là ký ức về những người đã khuất, cả người Mỹ và Việt Nam.
Các CCB Mỹ có mặt tại chiến trường xưa, đối chiếu các thông tin thu thập được với bản đồ đồi Xuân Sơn. Ảnh: H.P
Ông tường thuật: “Căn cứ bị tấn công đêm 26.12.1966; chúng tôi bị bộ đội Việt Nam bao vây tứ phía. Các bạn là một đối thủ xứng tầm, rất dũng cảm, kiên cường. Những người còn sống sót phải lui về khu vực phòng ngự. Sau đó, chúng tôi sử dụng pháo 105 ly và các viên đạn Beehive (đạn tổ ong) để phá vỡ thế tấn công ào ạt của bộ đội Việt Nam. Sáng hôm sau, cảnh tượng hãi hùng phơi bày ở căn cứ, thi thể của lính hai bên nằm khắp nơi. Hình ảnh đó ám ảnh tôi đến tận giờ”.
Cùng trực tiếp tham chiến trong trận đánh này, Kinbourne Lo và Ivory Whitaker Jr đều chia sẻ rằng sự bạo lực tột độ mà vũ khí của phía mình gây ra cho cơ thể con người khiến hai ông rất khó loại bỏ hình ảnh chết chóc ra khỏi tâm trí. “Bây giờ khi nghĩ lại, tôi thấy rất buồn khi biết bao chàng trai đẹp đã phải chết trẻ như vậy”, CCB Kinbourne Lo chia sẻ.
SỬA SAI LẦM TRONG QUÁ KHỨ
Trước khi sang Việt Nam, các CCB Mỹ này và nhiều đồng đội khác đã tích cực kết nối, cung cấp thông tin cho CCB Đặng Hà Thụy (ở TX Hoài Nhơn) cùng Bộ CHQS tỉnh và chính quyền địa phương phát hiện và quy tập được một hố chôn tập thể bộ đội ta hy sinh ở đồi Xuân Sơn.
Các CCB Mỹ cùng lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thị sát các vị trí trước đây họ từng tham chiến, trực tiếp chôn cất liệt sĩ của ta. Ảnh: H.P
Chia sẻ về lý do trực tiếp trở lại Việt Nam lần này, các CCB đều cho biết mong muốn trực tiếp tìm HCLS bộ đội Việt Nam để “sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”. Ivory Whitaker Jr nói: “Tôi tìm hiểu và được biết người Việt rất xem trọng, coi tìm kiếm HCLS là việc làm thiêng liêng. Rất nhiều người thân của lính Việt Nam muốn biết nơi thi hài con em họ đang nằm lại. Tôi mong muốn góp phần để trả lời câu hỏi đó”.
“Những nỗ lực cá nhân của các CCB Việt Nam và Mỹ trong hành trình cùng nhau tìm kiếm HCLS ở đồi Xuân Sơn đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải giữa hai quốc gia, dân tộc, vì một tương lai hòa bình và phát triển”.
Đại tá NGUYỄN XUÂN SƠN, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
Theo hồi ức của cựu binh Spencer John Matteson: Khi trở lại trận địa vào sáng 27.12.1966, ông dành cả buổi sáng để kéo thi thể những người lính Việt Nam tử trận vào một ngôi mộ tập thể được đào bởi xe ủi đất. Còn Stephen Holmes Hassett nhớ rằng bộ đội Việt Nam tử trận chủ yếu do bị trúng đạn tổ ong mới được đưa vào thử nghiệm tại chiến trường Việt Nam. Quân đội Mỹ đã chọn một số thi thể khám nghiệm để đánh giá hiệu quả của loại vũ khí này.
Tuy sức khỏe không còn cường tráng, nhưng sang Việt Nam lần này, các cựu binh Mỹ đều hết mình tham gia cùng lực lượng chức năng tìm kiếm. Nhiều ngày liền, họ miệt mài lội bộ, trèo dốc thị sát nhiều khu vực ở đồi Xuân Sơn để “liên kết” thông tin với hồi ức của mình, khi địa hình, địa vật đồi Xuân Sơn đã có nhiều thay đổi sau 56 năm. Các CCB Mỹ cũng dành thời gian trò chuyện trực tiếp tại hiện trường với các nhân chứng, trong đó có ông Hồ Văn Lộc (thôn Nhơn Tịnh, xã Ân Nghĩa, nguyên là du kích địa phương) về vị trí của bãi đáp trực thăng trên đồi Xuân Sơn. Bởi đây là cơ sở để các cựu binh xác định vị trí hố chôn tập thể năm xưa.
Các CCB Mỹ trực tiếp xem việc đào khảo sát vị trí nghi ngờ là hố chôn tập thể bộ đội ta ở đồi Xuân Sơn. Ảnh: H.P
Trong 1 tuần tích cực thị sát những vị trí trước đây các CCB từng tham chiến và trực tiếp chôn cất liệt sĩ của ta, các CCB Mỹ khẳng định vẫn còn một hố chôn tập thể ở đồi Xuân Sơn được đào bằng máy ủi. Tại hiện trường, các CCB Mỹ cũng xác định một số vị trí nghi có hài cốt của bộ đội Việt Nam. Từ thông tin này, Bộ CHQS tỉnh đã đánh dấu, tổ chức phát quang, rà mìn để tìm kiếm.
Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: “Vị trí của hố chôn tập thể bộ đội ta được các CCB Mỹ xác định nằm ở hướng Đông Bắc của trận địa Xuân Sơn. Chúng tôi đã huy động lực lượng, phương tiện để đào khảo sát trên diện tích 300 m2 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Vị trí đánh dấu trên thực địa có diện tích rộng trên 2 ha, vướng nhiều cây cối của người dân; để thuận tiện cho việc tìm kiếm, quy tập, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo tỉnh để có hướng xử lý, đền bù cho người dân và chỉ đạo phương án tìm kiếm, quy tập trong thời gian tới”.
YÊU ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM, MONG MUỐN HÒA BÌNH VÀ HỮU NGHỊ
Tiết trời bắt đầu giao mùa từ hè sang thu. Trên đỉnh Xuân Sơn, nắng đôi khi cực gắt nhưng thi thoảng cũng xuất hiện những cơn mưa lất phất bay. Ở đây, chúng tôi đã chứng kiến những cái siết tay thật chặt và ấm áp. Những người lính từng là kẻ thù từ hai bờ chiến tuyến không thể hình dung có ngày lại gặp gỡ nhau ngay trên chiến trường cũ.
Gia đình ông Trần Đình Quốc trao thẻ bài cho cựu binh Ivory Whitaker Jr để nhờ chuyển tới gia đình chủ nhân thẻ bài. Ảnh: H.P
Năm 1999 - 33 năm sau trận đánh tại đồi Xuân Sơn, con trai của ông Trần Đình Quốc (62 tuổi, ở thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu) khi ra bờ sông đá bóng đã nhặt được một cặp thẻ bài quân nhân (dog tags) của lính Mỹ. Gia đình ông đã gìn giữ cẩn thận để lúc nào đó sẽ trao lại nếu có ai tìm kiếm. Tình cờ, khi biết có đoàn CCB Mỹ tham gia tìm kiếm HCLS ở đồi Xuân Sơn, ông Quốc đã liên lạc với cơ quan chức năng để gửi lại thẻ bài. Qua xác minh, chủ nhân của thẻ bài vẫn còn sống sót sau chiến tranh nhưng vừa mất vì bệnh và tuổi già. Gia đình đã trao lại thẻ bài cho đoàn CCB Mỹ để nhờ họ chuyển tới gia đình chủ nhân.
Không có súng đạn, cuộc gặp gỡ lần này chỉ là những thông tin, sơ đồ được vẽ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi trên đỉnh Xuân Sơn, cựu binh Ivory Whitaker Jr nhiều lần bày tỏ niềm cảm kích về sự thân thiện, lòng vị tha và sự đón tiếp nồng hậu của tỉnh cùng người dân khi được quay lại chiến trường xưa.
“Nụ cười tươi của các bạn khi đón chúng tôi đã khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và tin tưởng rằng đây là một chuyến đi thú vị và tốt đẹp. Tôi không nghĩ cảnh vật Việt Nam hôm nay lại tươi đẹp đến thế. Đặc biệt, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đậm chất truyền thống Việt Nam tại nhà CCB Đặng Hà Thụy. Điều này hết sức tuyệt vời!”, ông chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, cựu binh Kinbourne Lo nói rằng khi chiến tranh kết thúc, điều làm ông ấn tượng là đất nước Việt Nam rất tươi đẹp và ông chỉ muốn nhớ đến điều này thôi. Đó cũng chính là lý do ông đã quay lại Việt Nam thêm 4 lần sau khi rời quân đội.
“Tôi yêu đất nước Việt Nam, có thể giúp được gì cho Việt Nam tôi luôn sẵn lòng. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, nếu tôi mới 25 tuổi, còn độc thân và được sang Việt Nam thì chắc chắn tôi sẽ cưới một cô gái Việt Nam. Vì phụ nữ Việt Nam rất xinh đẹp và dễ thương”, ông Kinbourne Lo vui vẻ nói.
Trước khi trở về, các CCB Mỹ đều hứa sẽ tìm gặp thêm những người từng tham gia trận đánh tại đồi Xuân Sơn để thu thập thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng của tỉnh sớm xác định vị trí của hố chôn tập thể bộ đội Việt Nam.
HỒNG PHÚC