BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN TUY PHƯỚC:
Nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Tuy Phước đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, vệ sinh môi trường được đảm bảo, giúp các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giữ vững tiêu chí môi trường, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, trên địa bàn huyện có 6 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, các địa phương luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng nhằm giữ vững tiêu chí môi trường.
Cụ thể, UBND các xã tập trung xử lý môi trường trong chăn nuôi; xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; thu gom, xử lý rác thải rắn, chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp. 11 xã đã bố trí, lắp đặt 2.008 bể chứa và 11 kho lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch tại đồng ruộng. Ảnh: C.L
Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: Địa phương bố trí 400 bể chứa tại các cánh đồng và dọc các tuyến kênh mương trên địa bàn để bà con bỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Ngoài ra, xã xây dựng 1 kho lưu chứa tại Gò Dông (thôn Phụng Sơn) với diện tích khoảng 20 m2 để tập kết vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ các bể chứa đặt ngoài đồng ruộng. Sau mỗi mùa vụ, UBND xã hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và môi trường Hậu Sanh thu gom, vận chuyển đi xử lý. Nhờ đó, vệ sinh môi trường ở khu vực đồng ruộng luôn được đảm bảo; các chất thải rắn, chất thải nguy hại trong nông nghiệp được xử lý đúng quy trình.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương quan tâm xử lý môi trường trong chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh khu vực nông thôn. Định kỳ 2 lần/năm, UBND các xã phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Ngoài ra, cán bộ thú y các xã thường xuyên hướng dẫn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm xây lắp hệ thống hầm biogas phù hợp với quy mô chăn nuôi; tiêu độc sát trùng chuồng trại theo định kỳ; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, vệ sinh chuồng trại và xử lý bằng chế phẩm sinh học định kỳ hằng tuần; thu gom chất thải của gia súc, gia cầm, tránh tình trạng đổ thải bừa bãi ra môi trường.
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, số hộ có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn xã là 232/290 hộ, đạt tỷ lệ 80%. Trong đó, số hộ chăn nuôi có xây dựng hầm biogas là 168 hộ, sử dụng đệm lót sinh học là 64 hộ. UBND xã đã và đang vận động các hộ chăn nuôi gà di dời đến điểm chăn nuôi tập trung theo quy hoạch.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, nhìn nhận: Việc xử lý môi trường trong chăn nuôi; bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thu gom, xử lý rác thải rắn, chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được chính quyền các địa phương thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả. UBND các xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi cam kết bảo vệ thực vật; xây dựng chuồng trại chăn nuôi nằm xa nhà ở và khu dân cư đông người nhằm giảm thấp nhất ảnh hưởng đến hộ dân xung quanh. Cùng với đó là hướng dẫn bà con nông dân tận dụng chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng, tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, vận động bà con không đốt rơm, rạ ngoài đồng ruộng hoặc vứt bừa bãi nơi công cộng, cản trở giao thông.
CÔNG LUẬN