Thu nhập khá nhờ nghề làm chậu cảnh
Khoảng 20 năm trở lại đây, một số hộ dân ở thôn Mỹ Điền (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) làm nghề đúc chậu cảnh. Tuy mới vào nghề cách đây 5 năm nhưng chị Lý Thị Kim Loan (44 tuổi) đã gầy dựng được cơ sở sản xuất chậu cảnh có quy mô lớn nhất khu vực này. Chị kể: Ban đầu vào nghề còn nhiều bỡ ngỡ, lại nặng nhọc so với sức vóc phụ nữ, nhưng vì mưu sinh và có chút đam mê nên tôi mày mò học hỏi, đúc kết kinh nghiệm làm chậu. Khi tay nghề cứng hơn, tôi đầu tư mua khuôn, trang bị các loại máy, thuê và hướng dẫn kỹ thuật cho nhân công, mở rộng cơ sở. Hiện cơ sở góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương, với tiền công khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày.
Cơ sở sản xuất chậu ép khuôn các loại của chị Lý Thị Kim Loan.
Làm loại chậu xi măng ép khuôn tuy không phức tạp nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mẩn. Theo chị Loan, giá cả phù hợp và nhất là chất lượng phải đảm bảo để giữ uy tín với khách hàng. Nhờ vậy sản phẩm của cơ sở đã đến với các đại lý ở nhiều địa phương như Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận (Tuy Phước), TP Quy Nhơn. Cơ sở nằm bên cạnh QL 1 nên ngoài các nhà vườn đặt hàng thường xuyên, chậu cảnh của chị Loan còn được nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành khác ghé mua. Ở một vài thời điểm, lượng chậu làm ra không kịp giao cho khách.
Sắp tới, chị Loan dự định đầu tư mua khuôn mới hoa văn đẹp, sắc sảo hơn để làm ra những chậu cảnh đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng.
NGÔ HỒNG SƠN