Một cựu chiến binh nặng nghĩa tình đồng đội
Đó là anh Nguyễn Văn Hưng, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lại Giang ở xứ dừa Bồng Sơn, trong một gia đình nông dân sớm có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cha anh là cán bộ lão thành, một trong những đảng viên nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở huyện Hoài Nhơn và giữ nhiều trọng trách trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơnèvơ được ký kết, nước ta tạm chia hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam bàn giao cho đối phương, chờ hai năm tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng với âm mưu thôn tính miền Nam, thực hiện chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xóa bỏ hiệp định, ra sức đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng miền Nam, trả thù hèn hạ những người yêu nước và kháng chiến cũ. Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng là một trong những đối tượng chịu sự trả thù hèn hạ của đối phương.
CCB Nguyễn Văn Hưng kể về những năm tháng chiến tranh. Ảnh: CHÍNH ĐỨC
Nguyễn Văn Hưng tìm cách chuyển vùng vào học nghề may và lập nghiệp ở thị trấn Đập Đá, nơi có truyền thống cách mạng, khôi phục chi bộ Đảng bí mật sớm nhất ở An Nhơn, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vừa ra đời. Tại đây, anh Hưng bắt liên lạc với tổ chức bí mật và sớm thoát ly gia đình đi kháng chiến, là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đội vũ trang tuyên truyền của huyện, tiền thân của lực lượng vũ trang huyện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Học xong lớp huấn luyện chính trị - quân sự ở căn cứ khu Năm, anh Nguyễn Văn Hưng cùng với đồng đội hoạt động từ căn cứ ra đến đồng bằng trong vòng vây của đối phương, làm nòng cốt cho LLVT tập trung của huyện từ cấp tiểu đội, rồi 1 trung đội, phát triển lên 2 trung đội, chuẩn bị thực lực bước vào chiến dịch Đồng khởi từ cuối năm 1964, đầu năm 1965.
Khi LLVT huyện An Nhơn thành lập được 2 trung đội, anh Hưng là Trung đội trưởng trung đội 2, mỗi trung đội chỉ có vài chục chiến sĩ, vũ khí còn rất thô sơ. Nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu quả cảm, LLVT huyện đã phối hợp với dân quân du kích mật các xã và sự hỗ trợ của một bộ phận lực lượng Châu Văn bộ đội tỉnh, tấn công vũ trang kết hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở màn chiến dịch Đồng khởi. Đầu năm 1965 toàn bộ các xã nông thôn trong huyện được giải phóng, tạo thế bao vây quận lỵ, thị trấn, cùng với cả miền Nam đẩy chế độ Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Để cứu vãn tình thế, giữa tháng 9.1965, quân Mỹ và chư hầu vội vã nhảy vào chiến trường miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh phá bằng kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt và bình định”, với phương châm “đốt sạch, giết sạch, cướp sạch” gây bao đau thương tang tóc đối với nhân dân. Vào thời điểm đó, ngày 10.10.1965, tại vùng giải phóng thôn Vĩnh Định, xã Nhơn Phong, đại đội tập trung LLVT đầu tiên của huyện trong kháng chiến chống Mỹ được thành lập, lấy tên là đại đội Bắc Giang, thuộc Huyện đội An Nhơn. Lúc đầu anh Nguyễn Văn Hưng làm đại đội phó, nửa năm sau anh được đề bạt làm đại đội trưởng, bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, quân và dân An Nhơn cùng với cả miền Nam đương đầu với đội quân xâm lược nhà nghề của Mỹ và chư hầu, được trang bị vũ khí hiện đại.
LLVT huyện quân số chỉ có 1 đại đội, cuối năm 1966 còn phải bổ sung quân số 2 trung đội cho sư đoàn 3 Sao Vàng, vũ khí vừa thiếu vừa không đồng bộ, chủ yếu thu của của địch để trang bị cho ta. Nhưng đại đội Bắc Giang dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Văn Hưng đã chiến đấu ngoan cường dũng cảm, đánh địch hàng trăm trận trên khắp chiến trường khu Tây, khu Đông rực lửa.
Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, cục diện chiến trường toàn miền Nam đã thay đổi có lợi cho cách mạng, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào đàm phán ở Paris, nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến chúng ra sức phản kích quyết liệt, gây cho ta không ít khó khăn, tổn thất.
Anh Nguyễn Văn Hưng không may bị địch bắt ở khu Đông, chúng đưa đi nhiều nhà tù trong đất liền, rồi đày ra ngục tù Côn Đảo với bao cực hình, cho đến khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình Việt Nam có hiệu lực, anh cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ trong đoàn quân chiến thắng từ ngục tù Côn Đảo được trao trả về đất liền, về lại quê hương, về lại đơn vị cũ trong vòng tay của đồng bào, đồng chí, đồng đội.
Đại đội trưởng đại đội Bắc Giang năm xưa được phân công giữ trọng trách Tham mưu trưởng Huyện đội An Nhơn, sát cánh cùng với Ban chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện tiếp tục chiến đấu cho đến ngày quê hương An Nhơn - Bình Định và cả miền Nam được hoàn toàn được giải phóng, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần làm nghĩa vụ Quốc tế trong sáng giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưng và Đặng Thị Phi nghỉ hưu ở thời điểm cơ chế bắt đầu chuyển đổi, công cuộc đổi mới bước đầu khởi động, tình hình KT-XH còn lắm khó khăn. Đời sống cả hai vợ chồng chỉ dựa vào đồng lương hưu trí và thương binh, nhưng họ sống đạm bạc, trong sáng, giữ vững bản chất tốt đẹp của bộ độ cụ Hồ.
Những năm đầu sau giải phóng, nhà nước chưa thành lập tổ chức Hội Cựu chiến binh, nhưng hơn 35 cán bộ, chiến sỹ là đồng đội cũ còn sống sót ai cũng tìm đến anh, họ tín nhiệm mời anh làm Trưởng ban liên lạc đại đội Bắc Giang. Từ ấy, ngôi nhà số 45 đường Thanh Niên, khu vực Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, mái ấm của vợ chồng anh Hưng chị Phi rộng chưa đến 70 m2, đã trở thành nơi thường xuyên gặp gỡ, họp mặt, quy tụ, gắn bó nghĩa tình của những cán bộ, chiến sỹ đại đội Bắc Giang năm xưa, khi mà hầu hết trong số họ đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, mang trong mình đầy thương tích, mỗi lần gặp nhau lại vài người vắng bóng.
Năm nay, kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống QĐND Việt Nam, đã qua 86 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, mắt yếu, thương tật nặng và nhiều chứng bệnh người già, nhưng CCB Nguyễn Văn Hưng luôn gần gũi đồng đội cũ, không chỉ anh em trong thị xã, mà ở tận Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Quy Nhơn… và cả ngoài tỉnh. Anh thường xuyên giữ liên lạc với họ và khi nghe tin ai gặp hoàn cảnh khó khăn, đau ốm nặng hoặc không may qua đời, anh không tự đi xe máy được thì đi xe ôm, xe buýt hoặc nhờ người chở, kể cả chị Võ Thị Phi vợ anh - người bạn đời, bạn chiến đấu và là bạn tù, cũng thường xuyên làm tài xế xe máy cho anh, bằng mọi cách đưa anh đến tận nơi để thăm viếng, động viên, chia sẻ cùng đồng đội và gia đình họ.
Những cán bộ, chiến sỹ thời mưa bom bão đạn khói lửa chiến tranh của đại đội Bắc Giang thuộc Huyện đội An Nhơn còn sống sót tôn vinh anh Nguyễn Văn Hưng là một trong những cánh chim đầu đàn của lực lượng vũ trang huyện trong kháng chiến chống Mỹ. Thật hiếm có một cựu chiến binh nặng nghĩa tình đồng đội như thế.
CHÍNH ĐỨC