Kể câu chuyện về nòi giống “con Rồng cháu Tiên”
Cụm linh vật năm Giáp Thìn 2024 đặt tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, đã thu hút sự quan tâm, thăm quan, check - in của đông đảo người dân trong tỉnh và du khách. Họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đức Nhân (TP Quy Nhơn) đã dành cho Báo Bình Định cuộc trò chuyện về quá trình sáng tạo và thực hiện Cụm linh vật.
* Đã nhiều năm, Công ty Đức Nhân được tỉnh đặt hàng làm cụm linh vật...
- Theo đơn đặt hàng của tỉnh, linh vật năm Giáp Thìn 2024 phải độc đáo, mang nét riêng của Bình Định. Sau nhiều lần đưa ra ý tưởng, phương án và được góp ý, chúng tôi thực hiện cụm linh vật năm 2024 toát lên được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và bản sắc riêng của Bình Định.
Họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đức Nhân (thứ 2 từ phải qua) cùng ê kíp xây dựng cụm linh vật năm Giáp Thìn của tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cụm biểu tượng linh vật mang chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng - Mẹ Tiên” kể câu chuyện về truyền thuyết dân gian Lạc Long Quân và Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con, thể hiện niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng, mang khát vọng vươn lên trở thành “Rồng” của đất nước và quê hương Bình Định.
Nét độc đáo là phối cảnh cụm linh vật khi nhìn từ trên cao như hình ảnh một đầu rồng lớn, có thể thay đổi màu sắc lung linh về đêm thông qua hiệu ứng ánh sáng, hơi nước đan xen cùng hơn 50.000 chậu hoa, lá, cây cảnh đa dạng sắc màu; đi kèm còn có âm thanh phụ trợ để tạo nên quần thể sắp đặt nghệ thuật ấn tượng thể hiện chủ đề được chuyển tải.
Cụm chính linh vật là hình tượng rồng cùng Lạc Long Quân và Âu Cơ – để kể câu chuyện về Cha Rồng - Mẹ Tiên. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Trong quá trình lên ý tưởng và thực hiện, anh đã gặp những khó khăn gì?
- Lên ý tưởng là một phần, quan trọng nhất là thi công từng công đoạn, chi tiết. Những con rồng mang màu sắc riêng làm sao nổi bật lên để kể một câu chuyện liền mạch về nòi giống Tiên Rồng; rồi đưa vào những cách điệu họa tiết trống đồng Đông Sơn như thế nào; cụm phía sau là các tòa nhà phát triển của thành phố khoa học đầu tiên của Việt Nam… là những câu hỏi khiến tôi và ê kíp suy nghĩ ngày đêm để đưa ra nhiều phương án thực hiện. Chúng tôi phải chắt lọc từng chút, từng ý trong “đề bài” tỉnh giao để thể hiện, tính toán rất kỹ để lên dáng vóc, chi tiết trên thân rồng, từng họa tiết trên 18 quả trứng rồng thể hiện 18 đời vua Hùng… Khó nhất là con rồng chính chủ đạo với những họa tiết đều lấy hình tượng của văn hóa Việt Nam và trống đồng Đông Sơn, khi làm lên hình khối thấy chưa đạt, chúng tôi phải sửa đi sửa lại nhiều lần, rồi đến cái vây rồng phải làm sao cho toát lên được vẻ đẹp độc đáo riêng. Sau nhiều lần chỉnh sửa mới làm ra được con rồng mang nét riêng với vây rồng được lấy từ họa tiết chim lạc trên trống đồng Đông Sơn, đầu rồng đội vương miện Lạc Hồng.
Nét độc đáo là phối cảnh cụm linh vật khi nhìn từ trên cao như hình ảnh một đầu rồng lớn. Ảnh; NGỌC NHUẬN
* Sau thời gian ngóng chờ, cụm linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành khánh thành đã được công chúng đánh giá rất cao…
- Sau khi cụm linh vật được trình làng, có nhiều ý kiến khen, chê... thể hiện quan điểm riêng của mỗi người. Vấn đề ở đây, cụm linh vật của Bình Định năm nay mang bản sắc riêng không lẫn vào đâu được. Thật ra, con rồng lên màu rất khó, khi mọi người nhìn vào chi tiết chân dung thì con rồng vẫn là con rồng, nhưng nếu tìm hiểu kỹ chân dung con rồng đó ra sao? Kết hợp con rồng của các thời như thế nào? Tại sao con rồng thời Lý thì như con rắn, khác với con rồng của thời Trần, thời Nguyễn? Vậy nên khi xây dựng cụm linh vật rồng, chúng tôi chắt lọc, kết hợp nhiều yếu tố chứ không phải bê nguyên vô, nhưng cũng tạo ra bản sắc riêng của mình. Bản sắc riêng của Bình Định được thể hiện ở đây là màu sắc mang hơi hướng của tuồng, không khí mùa xuân, cùng với các màu sắc tương phản khác để làm nổi bật lên các cụm linh vật, thể hiện xuyên suốt câu chuyện con Lạc, cháu Hồng, khát vọng vươn lên thành “Rồng” của đất nước, của quê hương Bình Định.
Cụm linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành trở thành điểm thu hút rất đông người dân, du khách tham quan, check-in. Ảnh: NGỌC NHUẬN
CLB Lân Sư Rồng Kỳ Hoàn (TP Quy Nhơn) biểu diễn tại cụm linh vật. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cụm linh vật thay đổi màu sắc lung linh về đêm nhờ hiệu ứng ánh sáng, hơi nước. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Ngoài thực hiện cụm linh vật tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, Công ty Đức Nhân còn được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đặt hàng...
- Thú thật, tôi không muốn nói nhiều về việc mình làm. Như ở tỉnh Hòa Bình, chúng tôi được tin tưởng mời thực hiện xây dựng cụm linh vật năm Quý Mão 2023 và năm nay. Ngoài ra, năm nay chúng tôi cũng làm linh vật cho các địa phương khác trong tỉnh, như An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Nhiều nơi khác cũng liên hệ đặt hàng, nhưng chúng tôi không dám nhận, vì đây là công việc rất… “nhạy cảm”. Cụm linh vật là một tác phẩm nghệ thuật, người họa sĩ “thổi hồn” vào đó sự sáng tạo bằng cả cái tâm. Chúng tôi làm linh vật cũng đóng góp cho tỉnh nhà bằng tấm chân tình của những người con của quê hương Bình Định. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở VH&TT đã tạo điều kiện cho chúng tôi thỏa sức sáng tạo để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng vui tết, đón xuân Giáp Thìn 2024 trong không khí vui tươi, phấn khởi…
* Xin cảm ơn anh!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)