Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
(BĐ) - Tối 12.2 (tức mùng 3 Tết), Sở VH&TT tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đến dự.
Đại biểu dự buổi tổng duyệt.
Chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có chủ đề “Hào khí Tây Sơn”, thời lượng 120 phút (phần lễ 30 phút, chương trình nghệ thuật 90 phút) do Sở VH&TT phối hợp huyện Tây Sơn thực hiện.
Mở màn chương trình là phần khai từ biểu diễn Trống trận Tây Sơn, múa cờ hội, biểu diễn võ cổ truyền, hát múa Hào khí Tây Sơn.
Nội dung chương trình gồm 3 phần: Phần 1 - Tây Sơn tụ nghĩa; phần 2 - Ngọc Hồi - Đống Đa, bản hùng ca bất tử; phần 3 - Viết tiếp bản hùng ca. Xuyên suốt chương trình có nhiều phân cảnh tái hiện lịch sử nước ta vào thế kỷ XVIII với nhiều biến loạn; ở Đàng Ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra khắp nơi nhưng không thành công. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Tây Sơn Tam Kiệt ở ấp Tây Sơn được đông đảo tầng lớp nhân dân, anh hùng hào kiệt, sĩ phu yêu nước hưởng ứng, phát triển rộng lớn trên quy mô cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Hoạt cảnh trong phần 1 chương trình tái hiện bối cảnh xã hội nước ta nửa sau thế kỷ XVIII.
Lợi dụng hành động “rước voi về giày mồ” của Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Thanh (Trung Quốc) tràn sang xâm chiếm nước ta. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ xâm lược từ giặc phương Bắc, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, nhanh chóng tiến quân ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức 15.1.1789), đại quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ ra đến Tam Điệp, rồi Ninh Bình. Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tấn công và tiêu diệt giặc Thanh ở đồn tiền phương Gián Khẩu. Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến về đánh chiếm Khương Thượng, mở đường từ Ngọc Hồi tiến thẳng vào Thăng Long. Chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy, quân giặc tan rã. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn quân vào kinh thành Thăng Long trong sự hân hoan đón chào của nhân dân.
Hoạt cảnh Tây Sơn tụ nghĩa.
Tái hiện cảnh nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm thành Quy Nhơn.
Đánh tan 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 19.1.1785.
Trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa là mồ chôn quân Thanh, khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chiến công hiển hách này mãi là bản hùng ca bất tử trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Bài hát Giang sơn Nam đế ca kết thúc phần 1 chương trình.
Hoạt cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.
Phát huy “Hào khí Tây Sơn”, Đảng bộ, chính quyền, quân dân Bình Định phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Phân cảnh quân Thanh ở Thăng Long.
Hoạt cảnh nghĩa quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long.
Bài hát Ngày hội hoa đào tái hiện cảnh vua Quang Trung gửi cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân cho Công chúa Ngọc Hân.
Các tiết mục hát múa phần 3 - Viết tiếp bản hùng ca thể hiện quê hương Bình Định phát triển viết nên trang sử mới.
Đông đảo khán giả đến xem chương trình tổng duyệt.
Chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa quy tụ hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn) tham gia biểu diễn. Chương trình chính thức diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ tối 13.2 (tức mùng 4 Tết) tại Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
Kết thúc chương trình sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ hội, đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.
NGỌC NHUẬN - NGUYỄN DŨNG