Thách thức trong chăm sóc sức khỏe trẻ em
Gánh nặng bệnh tật kép khi các bệnh truyền nhiễm tiếp tục tồn tại, khó kiểm soát và có xu hướng bùng phát, cộng vào đó bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng. Bối cảnh này khiến các cơ sở y tế khu vực Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh Bình Ðịnh đối diện với thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em.
Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị Nhi khoa các tỉnh Nam Trung bộ (gồm 8 tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), lần đầu tiên được Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp với BVĐK tỉnh và Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức tại Bình Định, ngày 30.3.
Gánh nặng bệnh tật kép ở trẻ
Từ thực tế điều trị, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, đưa ra nhận định, các bệnh truyền nhiễm ngày càng khó kiểm soát và có xu hướng bùng phát thành dịch; trong khi bệnh không lây nhiễm hiện có xu hướng tăng.
Điều trị bệnh nhi tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Ảnh: M.H
Dẫn chứng từ năm 2019 - 2023, tỷ lệ ca bệnh hệ hô hấp ở trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương luôn dẫn đầu, trừ năm 2021 vướng dịch Covid-19 còn lại đều trên 30%, xấp xỉ 40%. Trong khi bệnh khác thì tỷ lệ trẻ điều trị nội trú thường dưới 10%. “Do tác động của dịch bệnh Covid-19, bệnh truyền nhiễm có xu thế tăng trở lại”, bác sĩ Điển nói.
Trong khi đó, gánh nặng bệnh không lây nhiễm (NCDs) ở trẻ em, ngoài những bệnh mãn tính, còn có dị tật bẩm sinh, di truyền, rối loạn chuyển hóa, rối loạn miễn dịch… Một số NCDs có tỷ lệ mắc cao ở trẻ là ung thư, rối loạn tâm thần (chậm phát triển tinh thần, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, rối loạn phát triển lời nói và ngôn ngữ)… làm ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, thách thức của NCDs là chi phí điều trị bệnh cao do phải áp dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Nói về cách thức xử lý tình trạng này, bác sĩ Điển gợi mở, ngành y tế các địa phương cần xác định mô hình bệnh, thực hiện tốt dự án sẵn có, cân đối nguồn lực, phối hợp, liên kết vùng, Trung ương - địa phương, cơ sở y tế công và tư phối hợp.
Liên quan đến các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngay những bệnh đã tồn tại vẫn luôn là thách thức trong chẩn đoán, điều trị. Dẫn chứng là sốt xuất huyết Dengue, với những thách thức như: Bệnh nhân bị biến chứng nặng (sốc kéo dài, xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, viêm gan tối cấp, bệnh lý não do sốt xuất huyết); bệnh nhân nguy cơ cao (trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi, béo phì; bệnh nhân có bệnh nền); tử vong ở bệnh nhi.
“Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng cường hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia bệnh viện tuyến trên giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nặng có biến chứng ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Do đó, các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh cần tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết có biến chứng nặng như sốt kéo dài, suy hô hấp, xuất huyết ồ ạt, suy đa tạng cơ quan bằng các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Thiếu nhân lực, thiết bị để phát triển chuyên khoa sâu
Đại diện Chi hội Nhi khoa các tỉnh Nam Trung bộ, PGS.TS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết bà và một số chuyên gia tại nhiều BVĐK tuyến tỉnh trong khu vực đã thực hiện đánh giá những thách thức trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Bà chỉ rõ các thách thức là: Nguồn nhân lực phân bố không đồng đều tại các tỉnh, thành; thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi; chuyên khoa sâu về nhi chưa được phát triển; tỷ lệ điều dưỡng/bệnh nhân còn thấp, đặc biệt tại các đơn vị hồi sức. Các BVĐK tuyến tỉnh thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi số bệnh nhân nặng lại tập trung nhiều tại đây. Bên cạnh đó là tình trạng quá tải bệnh nhân; thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu cho chẩn đoán và điều trị…
“Về công tác chuyên môn, tỷ lệ tử vong trẻ em còn cao, đặc biệt ở trẻ sơ sinh; thiếu nguồn lực chẩn đoán, điều trị các bệnh nội tiết, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, ung thư trẻ em, nhiễm trùng, các rối loạn phát triển ở trẻ em. Mạng lưới chăm sóc trẻ em trong khu vực chưa kết hợp chặt chẽ”, bác sĩ Hoàng cho hay.
Đối với tỉnh Bình Định, dù BVĐK tỉnh luôn ở mức giữa của khu vực, tuy vậy vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong chăm sóc trẻ em. Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, cho hay: Hiện phân bổ giường bệnh điều trị cho trẻ em tại bệnh viện có 85 gường bệnh nhi chung, 25 giường nhi hồi sức và 45 giường nhi sơ sinh; đứng thứ 4, nhỉnh hơn Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Về bác sĩ, bệnh viện có áp lực nhất định, hiện có 31 bác sĩ nhi khoa, 7 bác sĩ hồi sức nhi và 9 bác sĩ nhi sơ sinh.
“Đến nay, chuyên ngành nhi của bệnh viện đã triển khai chăm sóc Kangaroo cho trẻ đẻ non, lọc máu liên tục, phẫu thuật nhi và phẫu thuật nhi sơ sinh, trong khi đó các lĩnh vực như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, ECMO chưa thể thực hiện”, bác sĩ Dũng chia sẻ thêm.
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho rằng bên cạnh đầu tư của địa phương thì Trung ương cũng cần đẩy mạnh đầu tư. Tăng cường hơn nữa hợp tác, hỗ trợ từ Hội Nhi khoa Việt Nam và các bệnh viện nhi đầu ngành trong nước và quốc tế cho đào tạo chuyên khoa sâu…
MAI HOÀNG