KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2024):
Khắc họa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nghệ thuật
Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, là niềm cảm hứng sáng tạo của thi ca, hội họa, điện ảnh... Trong đó, những khắc họa về Người trên sân khấu nghệ thuật ở Bình Ðịnh để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân.
1. Năm 1990, Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) xây dựng vở tuồng Sáng mãi niềm tin (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể NSND Võ Sỹ Thừa). Vở diễn khẳng định giá trị tư tưởng với niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về những trang sử vẻ vang của đất nước, thông qua việc khắc họa đậm nét hình tượng các chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, đặc biệt là hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nghệ thuật truyền thống của Bình Định.
Vở tuồng Sáng mãi niềm tin khắc họa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu truyền thống của Bình Định. Ảnh tư liệu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh
Trong vở tuồng Sáng mãi niềm tin, nhân vật Bác Hồ - do NSND Võ Sỹ Thừa thủ vai - xuất hiện trong tình huống kịch, khi nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai ra trường bắn. Vở diễn để lại cảm xúc sâu lắng khắc họa hình tượng Bác Hồ vào cuối vở diễn, với cảnh tái hiện hình ảnh hang Pác Bó, suối Lê Nin, Bác Hồ ngồi trên tảng đá đón Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai về trong mộng; Bác Hồ lau nước mắt vì biết chị Minh Khai đã bị địch bắt, rồi nhân vật Bác Hồ hát nam đầy xúc động: Thế là giặc cướp mất em rồi/Quê hương mất một con người/Ra đi để lại cho đời tiếc thương.
Sinh thời, NSND Võ Sỹ Thừa từng chia sẻ lại những dòng tâm sự khi diễn xuất thành công vai diễn Bác Hồ trong vở Sáng mãi niềm tin tại Hội thảo “Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu” do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 10.1992, như sau: Tôi gặt hái nhiều thành công trong Sáng mãi niềm tin một phần rất lớn là nhờ vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần. Khi tạm biệt miền Bắc vào chiến trường B, phút cuối cùng tôi còn diễn cho Bác xem, sau buổi diễn (tối mùng 4 Tết năm 1965), Bác còn xoa đầu tôi và bảo “Sỹ Thừa về quê, diễn cho thật hay để bà con xem nhé!”. Rồi những năm trong lao tù Mỹ - Ngụy, nghe tin Bác qua đời, tôi quá đau lòng và nhiều đêm nằm mơ lại được gặp Bác ở khu văn công, ở Chủ tịch phủ. Hình bóng của Bác cứ sống động mãi trong tôi và khát vọng đóng vai Bác Hồ cũng nảy ra từ những ngày trong xà lim, chuồng cọp trên đảo Phú Quốc.
2. Mảnh đất Bình Định tự hào là nơi ghi lại dấu ấn về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) làm Tri huyện tại huyện đường Bình Khê ở Đồng Phó (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) từ tháng 7.1909 - 1.1910; cũng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần đặt chân đến và lưu lại. Bình Định cũng là nơi diễn ra cuộc “chia tay lịch sử” của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với cha để bước vào hành trình gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân…
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015), 106 năm Nguyễn Tất Thành và cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Định (1909 - 2015), tỉnh Bình Định dàn dựng và công diễn chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” khắc họa giai đoạn lịch sử quan trọng, mang nhiều dấu ấn trong cuộc đời của Bác cùng với thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại vùng đất Bình Định. “Cha, Con và Tổ quốc” với những lớp, màn của vở diễn nối tiếp nhau, đan xen nhiều loại hình nghệ thuật chính kịch, tuồng, điện ảnh, võ thuật… liền mạch và tràn đầy cảm xúc về một giai đoạn ở mảnh đất Bình Định đã góp phần hun đúc tinh thần, cốt cách cho chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Nội dung kịch bản chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” tái hiện khoảng thời gian 1909 - 1910, khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế điều động vào tham gia Ban chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định, đã dẫn hai người con trai là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành đi theo. Cụ phó bảng đã gửi gắm Nguyễn Tất Thành trọ học tại gia đình nhà giáo Phạm Ngọc Thọ để trau dồi kiến thức về Tây học, Pháp văn.
Tháng 7.1909, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến Huyện đường Bình Khê nhậm chức Tri huyện Bình Khê. Trong một vụ án kiên quyết xử phạt tên điền chủ Tạ Đức Quang áp bức dân nghèo, coi thường pháp luật, Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình Huế bãi chức, triệu hồi về kinh. Biết mình khó thoát nạn, ngay trước lúc về kinh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con rằng: “Con hãy hứa với cha một điều, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, con cũng không được quay về tìm cha. Nước mất thì hãy đi tìm nước, chớ có tìm cha!”. Câu nói ấy càng hun đúc thêm quyết tâm giải cứu dân tộc trong lòng chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tại Quy Nhơn, đã diễn ra cuộc chia tay lịch sử khi Nguyễn Tất Thành không theo cha về Huế, mà quyết định tiếp tục vào Nam đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
***
Việc khắc họa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nghệ thuật cũng là thể hiện tình cảm, tấm lòng thành kính với vị Cha già kính yêu của dân tộc trong lòng dân Bình Định, cũng như nhân dân Việt Nam. Hướng đến các giá trị nhân văn, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; kế thừa, truyền bá những giá trị văn hóa, lý tưởng cách mạng của Người tới thế hệ hôm nay và mai sau…
ĐOAN NGỌC