Phụ nữ Bana vượt khó, làm kinh tế giỏi
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, không cam chịu cái khó, cái nghèo đeo bám, bà Ðinh Thị Triêng (SN 1975, dân tộc Bana, ở làng Kon Giang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) đã từng bước vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản.
Năm 1995, bà Triêng lập gia đình và ra ở riêng. Thời điểm này, nguồn thu nhập của cả gia đình bà chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng do cha mẹ chia, cùng với việc làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng, mãi vẫn không đủ ăn. Khó khăn là thế nhưng với ý chí và nghị lực, bà không bằng lòng với số phận nghèo khổ, quyết tìm hướng đi mới để mở mang, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Đinh Thị Triêng chăm sóc đàn bò. Ảnh: D.Đ
Năm 1997, bà Triêng mạnh dạn vay 4 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện mua 2 con bò lai về nuôi, tự trồng cỏ, trồng rau và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho bò ăn để tiết kiệm tiền mua thức ăn công nghiệp. Đồng thời, bà còn được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trong huyện, học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi.
Nhờ áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, sau 5 năm nuôi bò, bà đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục vay vốn mới, mua thêm bò giống để gầy đàn lên gần 30 con, đầu tư trồng 9 ha keo lai, cây ăn quả.
Bà Triêng cho biết: “Mỗi năm tôi xuất bán 3 - 4 con bò, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 70 triệu đồng. Tôi còn đầu tư mua thêm máy cày đất, xe kéo để phục vụ việc sản xuất của gia đình và bà con trong làng, tạo thêm nguồn thu ổn định; thu nhập trong những năm gần đây đạt 150 triệu đồng/năm”.
Bà Đinh Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, đánh giá: Từ nguồn vốn vay, chị Triêng đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, nhiều chị em trong xã cũng mạnh dạn học hỏi, làm theo, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả tốt. Chị Triêng là gương phụ nữ điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
DUY ĐĂNG