Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”
(BĐ) - Chiều 10.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số (CĐS), chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và với đầu cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo Bộ TT&TT, CĐS quốc gia trong 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả nổi bật. Đơn cử, dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42%. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1,9 triệu tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ)...
Tại Bình Định, 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án 06 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiệm vụ CĐS tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, về phát triển chính quyền số tại tỉnh được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện trên các mặt công tác, như: Xây dựng, ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng mô hình chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh. Xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh…
Nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số cũng được tỉnh quan tâm, như: Phối hợp với Báo Tiền phong đăng cai tổ chức thành công Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên”. Tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là liên quan về lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Các ngân hàng, DN cung cấp dịch vụ, như: VNPT, Viettel, Mobile đã phối hợp với tổ công nghệ cộng đồng để triển khai hướng dẫn cho người dân, các tiểu thương cài đặt, sử dụng mô hình chợ 4.0…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, CĐS đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc CĐS quốc gia; đẩy mạnh CĐS trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, tổ chức quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Để hoàn thành các mục tiêu của chương trình CĐS quốc gia và Đề án 06, Thủ tướng cho rằng, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở…
TRỌNG LỢI