Học sinh hào hứng trải nghiệm hát bội, bài chòi
Tham gia chương trình trải nghiệm, giao lưu nghệ thuật hát bội, bài chòi, học sinh Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) tỏ ra hào hứng, thích thú khi có cơ hội hiểu thêm về loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương Bình Ðịnh.
Chương trình giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống dành cho học sinh do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Phòng VH-TT, Phòng GD&ĐT, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) vào sáng 10.7, đã tạo nên buổi ngoại khóa đầy hứng thú, giúp học sinh có cơ hội hiểu thêm về nghệ thuật hát bội, bài chòi cổ, ca kịch bài chòi của quê hương Bình Định.
Học sinh Trường THCS thị trấn Tuy Phước hào hứng giao lưu, thử hát bội, hô bài chòi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại chương trình, học sinh được nghe các nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu, giới thiệu về nghệ thuật hát bội, bài chòi cổ, ca kịch bài chòi; phân tích sự khác biệt giữa nghệ thuật bài chòi cổ và dân ca bài chòi kèm minh họa bằng những câu hát, câu hô thai với sự tương tác gần gũi, vui nhộn, giúp học sinh dễ nhớ.
Sau khi nghe NSND Phương Thảo giới thiệu, hát minh họa vài làn điệu hát bội, em Nguyễn Minh Quân, học sinh lớp 7A1 xung phong được lên sân khấu để hát thử, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của thầy cô và các bạn tham gia chương trình. “Trong những tiết giáo dục lịch sử địa phương trên lớp, em được xem các clip về hát bội, bài chòi do cô giáo bộ môn lồng ghép vào tiết học, nhưng đây là lần đầu tiên được xem trực tiếp các cô chú nghệ sĩ, nghệ nhân giới thiệu, minh họa khiến em thích thú. Nghe qua một lần là em có thể hát được dù chưa hay lắm, em nghĩ nếu mình yêu thích, tập luyện sẽ có thể hát bội, hô bài chòi được”, Minh Quân vui vẻ chia sẻ.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân còn biểu diễn trích đoạn hát bội Thầy Nghêu xủ quẻ, trích đoạn ca kịch bài chòi Ông xã - Bà đội, hô những câu thai bài chòi dân gian… tạo sự sinh động, lôi cuốn để tiếp thêm tình yêu, tạo động lực cho các em tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật này.
Em Đặng Phạm Thiên Ân, học sinh lớp 6A1, bày tỏ: “Em thấy chương trình rất thú vị, bổ ích. Hồi giờ em chỉ biết bài chòi cổ do từng chơi hội đánh bài chòi dân gian, nhưng bây giờ mới biết thêm về nghệ thuật hát bội”.
Còn em Nguyễn Lê Ngọc Trâm, học sinh lớp 8A1, thổ lộ: “Lần đầu tiên chúng em được tham gia trải nghiệm một chương trình mang lại nhiều cảm xúc. Có thể chúng em chưa hiểu nhiều về hát bội, bài chòi, nhưng qua đây chúng em thích học môn giáo dục lịch sử địa phương, có thể tham gia quảng bá những loại hình nghệ thuật này bằng cách tìm hiểu kỹ hơn và chia sẻ đến mọi người”.
Xúc động khi thấy các em học sinh vỗ tay vang cả sân trường khi thưởng thức tiết mục biểu diễn trích đoạn hát bội Thầy Nghêu xủ quẻ có mình diễn vai chú Ốc, nghệ sĩ Thái Phiên - diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn, tâm sự: “Biểu diễn hát bội trên sân khấu nhìn xuống thấy các em học sinh chăm chú theo dõi, tôi phấn khởi vô cùng. Hy vọng các em sau này sẽ là lớp khán giả mộ điệu để giúp nghệ thuật truyền thống có sức sống trong thời hiện đại, cũng mong sẽ có em theo nghề thực hành, truyền dạy hát bội, bài chòi”.
Bà Đặng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước, cho biết: “Hoạt động đưa nghệ thuật hát bội, bài chòi đến với học sinh nhằm giúp các em hiểu và biết các loại hình nghệ thuật truyền thống của Bình Định để các em nâng cao nhận thức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã có kế hoạch dạy môn giáo dục địa phương cho từng lớp học có nội dung về nghệ thuật truyền thống, như đưa âm nhạc hát bội, ca kịch bài chòi, hô bài chòi cổ vào giới thiệu cho các em…”.
Thông qua hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của di sản nghệ thuật hát bội, bài chòi của Bình Định đến với công chúng, nhất là trong học đường. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho hay: “Cuối tháng 5.2024, chúng tôi cũng tổ chức chương trình tương tự tại Trường THCS Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Theo kế hoạch năm nay, Nhà hát sẽ tiếp tục tổ chức chương trình này tại một số trường học; đồng thời, tổ chức chương trình đưa học sinh đến Nhà hát tham quan, trải nghiệm xem hát bội, ca kịch bài chòi; tư vấn cho các trường thành lập CLB Em yêu nghệ thuật truyền thống… nhằm nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật truyền thống cho học sinh. Qua đó, có thể chọn các em có năng khiếu, đam mê theo nghề để tạo nguồn nghệ sĩ, diễn viên kế cận cho Nhà hát”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN