Già hóa dân số, Bình Ðịnh thích ứng ra sao?
“Bình Ðịnh đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác dân số, song đang đứng trước nhiều thách thức” - là chia sẻ của bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số (Sở Y tế), nhân Ngày Dân số thế giới 11.7.
• Cụ thể, từ tập trung kiểm soát tăng dân số giai đoạn trước đây cho đến chú trọng nâng chất lượng dân số hiện nay, tỉnh Bình Định gặt hái những thành công nổi bật nào, thưa bà?
- Một trong những thành công nổi bật của tỉnh là tiếp tục duy trì mức sinh thay thế. Theo Quyết định 588/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Bình Định là 1 trong 9 địa phương thuộc vùng mức sinh thay thế (tức mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội thì mỗi cặp vợ chồng có 2 con - theo Pháp lệnh Dân số), đến hết năm 2023 tổng tỷ suất sinh là 1,97 con; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở mức 110,1 (số bé trai/100 bé gái).
Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, thể hiện qua việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cơ bản đáp ứng về lượng và chất. Tuổi thọ người dân được cải thiện rõ rệt, từ năm 2009 - 2019 tăng lên 73,5 tuổi (qua 10 năm tuổi thọ tăng 1,6 tuổi) và năm 2023 là 74,23 tuổi.
• Dù vậy, tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác dân số…
- Cùng với cả nước, Bình Định cũng đang đứng trước những thách thức khi chưa kiểm soát được nhu cầu sử dụng dịch vụ dân số của vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn và tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở vị thành niên, thanh niên.
Số nam nữ thanh niên được khám sức khỏe trước khi kết hôn rất thấp, do chưa có sự ràng buộc mang tính pháp lý và tâm lý ngại ngùng khi tham gia thực hiện dịch vụ. Số phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh và số trẻ thực hiện sàng lọc sơ sinh tại cơ sở y tế tư nhân chưa được thu thập, quản lý. Mạng lưới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế, cơ sở chăm sóc tập trung chưa phát triển…
Một vấn đề khác là mô hình tổ chức bộ máy thường xuyên thay đổi, phần nào ảnh hưởng đến tâm tư của đội ngũ viên chức làm công tác dân số; đội ngũ cộng tác viên dân số là nhân viên y tế thuộc khu vực thành thị không còn hoạt động.
Truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN VĂN TUẤN
Tháng 9.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3585/QĐ-UBND, tuy nhiên do chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương về định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo các quy định của pháp luật về giá nên việc tham mưu thực hiện các dịch vụ liên quan gặp phải vướng mắc. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dân số trong tình hình mới chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, cả nước bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, khi có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,2%; Bình Định đã bước vào giai đoạn này từ năm 2006, với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên là 10,4%, tức sớm hơn 5 năm.
• Cụ thể thách thức già hóa dân số đến sớm của Bình Định là gì, thưa bà?
- Đây là một thách thức lớn với tỉnh, bởi khi tỷ lệ người cao tuổi gia tăng, tỷ suất sinh giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, tạo sức ép, thách thức về điều chỉnh thị trường lao động, việc làm.
Già hóa dân số khiến cho người cao tuổi phải đối mặt với nhiều bệnh tật mạn tính, có nguy cơ tàn phế, đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp (theo Bộ Y tế, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ, và tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống với bệnh tật của người cao tuổi còn khá cao).
Người cao tuổi sống tại nông thôn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên y tế tại tuyến huyện, tuyến xã chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về kiến thức lão khoa, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
• Vậy những giải pháp nào để giải quyết thách thức trong công tác dân số của tỉnh, nhất là thích nghi với già hóa dân số sẽ còn tăng nhanh?
- Với chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Dân số, đơn vị tiếp tục tham mưu, hoàn thiện chính sách dân số, trong đó thực hiện duy trì mức sinh thay thế hợp lý, kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển của địa phương.
Xác định nâng cao chất lượng các dịch vụ dân số là điều kiện tiên quyết và trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay cả khi bước vào thời kỳ dân số già. Trên cơ sở đó, phát triển các dịch vụ y tế - dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ già hóa dân số; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để đảm bảo chất lượng giống nòi.
Bên cạnh đó, về tổng thể chính sách, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực; xây dựng chính sách việc làm đa dạng và phát triển thị trường lao động phù hợp với thời kỳ già hóa dân số…
• Xin cảm ơn bà!
MAI HOÀNG (Thực hiện)