Văn Cao & Quy Nhơn, một tình yêu thuần khiết
Tháng 4.1985, ngày ấy gia đình tôi còn sống và làm việc ở Quy Nhơn. Thời bao cấp khó khăn, nhưng tình bạn bè giữa anh em Nghĩa Bình chúng tôi với nhau và với văn nghệ sĩ cả nước thắm thiết lắm. Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Quy Nhơn - Nghĩa Bình, cũng là 10 năm Hòa Bình Thống Nhất tỏa hơi ấm trên Đất Nước mình, tôi - lúc đó làm việc ở Hội Văn nghệ Nghĩa Bình, đã đề xuất với các anh lãnh đạo Tỉnh ủy Nghĩa Bình, cụ thể là anh Đỗ Quang Thắng, Bí thư Tỉnh ủy và anh Võ Trọng Nguyễn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, rằng tỉnh Nghĩa Bình nên mời vợ chồng nhà thơ nhạc sĩ Văn Cao vào thăm Nghĩa Bình.
Đề nghị ấy đã được các anh vui vẻ đồng ý. Và tôi được phân công ra tận Hà Nội, gởi lời mời và đưa vợ chồng anh Văn Cao cùng hai người bạn thân của anh - hai nhà thơ, nhạc sĩ khá đang nổi tiếng vào thời điểm ấy là Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo - cùng vào thăm chơi Quy Nhơn. Là thượng khách của tỉnh, đi máy bay hẳn hoi.
Vợ chồng nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Lệ Thu cùng anh em văn nghệ Quy Nhơn (ảnh chụp tháng 4 năm 1985 tại Quy Nhơn, tư liệu của Thanh Thảo).
Văn Cao thổ lộ, trước năm 1945 anh đã có dịp vào Quy Nhơn. Cho nên chỉ cần biết có lời mời từ Quy Nhơn anh đã vui vẻ nhận lời và niềm xúc động khiến Văn Cao lập tức viết được bài thơ đầu tiên trong chùm thơ 3 bài về Quy Nhơn. Đó là bài thơ “Quy Nhơn 1”, đề ngày 31.3.1985. Xin chép ra đây.
QUY NHƠN 1
Một nửa mình con trai
ngày
lấp lánh sắc cầu vồng
một nửa mình trăng
đêm
nằm nghiêng trên bãi cát
Quy Nhơn chúng ta
Vài dây buồm nhỏ
Vài con đường phố nhỏ
Và ngôi nhà nho nhỏ
Vẫn ngày đêm lấp lánh
mang vết thương xưa
ngày đêm làm ngọc
Chưa về Quy Nhơn
mà nhớ em
Khuôn mặt càng hiền dịu
càng lấp lánh
lấp lánh.
Tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo kháo với nhau: “Hình như ngày xưa ấy, khi vào Quy Nhơn “ông già” có chuyện tình ở phố biển thì phải. Cứ đọc đoạn thơ cuối bài thơ thì biết “Chưa về Quy Nhơn/mà nhớ em/ Khuôn mặt càng hiền dịu/càng lấp lánh/lấp lánh”. Rồi tôi cùng Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đưa vợ chồng nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao chơi ở Quy Nhơn, thăm thú bạn bè; vợ chồng anh Văn Cao đã có hơn 10 ngày vui chơi, chan hòa đúng nghĩa.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng những năm tháng đó, Văn Cao gần như không đi đâu xa, ông gần như ẩn dật, không mấy khi xuất hiện trước công chúng. Nên có thể nói, bay một chuyến xa vào tận Quy Nhơn trong thời điểm còn nhiều khó khăn, cách trở ấy, chỉ có thể giải thích là vì Văn Cao yêu Quy Nhơn. Đơn giản thế thôi. Mà đúng là thế vậy, những tình yêu thuần khiết thường giản dị đến tột cùng.
Chính trong thời gian đó và ở Quy Nhơn, Văn Cao đã viết thêm được hai bài thơ cực ấn tượng về Quy Nhơn, Quy Nhơn 2 và Quy Nhơn 3, trong đó Quy Nhơn 3 đáng gọi là tuyệt bút:
QUY NHƠN 3
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại
Đúng là những tháp Chàm đã “rơi từ trời xanh” xuống để trở thành báu vật của Bình Định - một cái nôi văn hóa từ hàng nghìn năm nay. Cảm nhận của nhà thơ lớn bao giờ cũng giàu sáng tạo và luôn mở ra rất nhiều không gian tưởng tượng như vậy.
Với Quy Nhơn 3, Văn Cao đã thực sự yêu Quy Nhơn. Cái nhìn của nhà thơ đã là cái nhìn từ bên trong Quy Nhơn nhìn ra. Dù ngày ấy Quy Nhơn còn rất khổ, nhưng Quy Nhơn đã đón vợ chồng anh Văn Cao bằng tất cả tình thương yêu, quý trọng của mình. Từ quan chức tới thứ dân, đi tới đâu Văn Cao cũng gặp những lời chào hỏi, những nụ cười đồng cảm. Tôi nhớ, một buổi trưa vợ chồng tôi mời vợ chồng anh Văn tới nhà ăn cơm. Nhà tôi lúc ấy cũng chật chội, lại không có bàn ăn. Mọi người đều phải ngồi trên giường ăn cơm. Bữa cơm được coi là ngon, có canh chua cá, thịt heo luộc, mấy chai bia, và đặc biệt, có rượu Bàu Đá. Đó là loại rượu truyền thống nổi tiếng của xứ Bình Định mà Văn Cao nhận xét rằng, đây là loại rượu “rất dày”. Bữa cơm thật ấm áp tình anh em và gia đình tôi cứ nhớ mãi.
“Không phải Quy Nhơn đẹp
Các nhà thơ tôi đọc
Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan,
Xuân Diệu
Ôi Quy Nhơn hằng mơ”
(Quy Nhơn 2)
Tôi vẫn nghĩ và hay nói với bạn bè, rồi sẽ có thêm nhiều bài thơ hay viết về Quy Nhơn, nhưng chùm ba bài của Văn Cao tự nhiên đã chiếm một chỗ riêng trang trọng, và điều này không bao giờ thay đổi.
Vâng, không thể nói khác hơn, Quy Nhơn đã đón Văn Cao đúng với cái tình mà người nghệ sĩ nào cũng hằng nhớ thương, mơ nghĩ. Và với những năm tháng tôi cùng bạn bè mình hít thở bầu sinh quyển văn hóa, nghệ thuật ở xứ sở này, có thể nói Quy Nhơn - Bình Định luôn là cõi mơ của người nghệ sĩ. Có lẽ cũng như chùm thơ của Văn Cao, từ bấy đến giờ và có lẽ cả mai sau Quy Nhơn sẽ vẫn vậy…
THANH THẢO