Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người lãnh đạo quyết liệt “Nói đi đôi với làm”
Trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo tận tụy vì nước vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính và liêm khiết. Ông là một hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân, dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nói ít, làm nhiều và phải làm hiệu quả
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia thường trực phía Nam chia sẻ, trong thời gian công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ năm 2003 đến 2015, trong đó 2 nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ nhiệm, ông có cơ hội tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương.
Ông Liêm rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, nhẹ nhàng, trí tuệ, có chiều sâu và quyết đoán của Tổng Bí thư. Đặc biệt, ở Tổng Bí thư là sự quyết tâm thực hành nói đi đôi với làm, quyết tâm xây dựng Đảng và bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch.
Với người dân TPHCM, cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Ảnh: H.T)
Ông Liêm nhớ lại: Có thời điểm ông làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cuộc đấu tranh duy trì kỷ cương, kỷ luật của Đảng, chống tiêu cực, tham nhũng chưa được công khai nhiều, có những vụ việc nặng về nhân văn cho nên cũng không kiên quyết xử lý.
Theo ông Liêm, “có những lúc, có những người còn chần chừ, Tổng Bí thư lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị phát biểu rất rõ ràng, rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm đúng, làm từ cơ sở, đúng quy trình, đương sự và tổ chức Đảng phải khẩu phục, tâm phục”: “Tổng Bí thư phát biểu: Chống tiêu cực, tham nhũng phải công minh, chính xác nhưng phải kịp thời, nếu không kịp thời sẽ không có tác dụng răn đe, giáo dục. Một quan điểm rất hay của Đảng ta nhưng nếu làm không trọn vẹn, hay làm nửa vời thì sẽ đi tới ngõ cụt. Tổng Bí thư lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, dù không phải là người chủ trì, nhưng đã tạo cảm hứng của những đồng chí khác để Bộ Chính trị thảo luận, quyết định phải xử lý nghiêm. Phát huy dân chủ nội bộ nói vậy chứ không đơn giản, phải có trí tuệ, có dũng khí, có trí tuệ, phải hiểu và phải dấn thân thì mới làm được”.
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia (ảnh: Ngọc Xuân)
Ông Liêm kể, từ đầu năm 2011, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đến tháng 12 năm đó, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia phát động chương trình “Ươm mầm hữu nghị”. Đến năm 2019, Tổng Bí thư đã dành một buổi họp riêng Ban Bí thư để nghe báo cáo về chương trình này.
Tổng Bí thư rất xúc động, đánh giá cao và coi đây là một vấn đề chiến lược; hoan nghênh và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể phải học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh phong trào này và thực hiện xã hội hóa, chăm lo cho các sinh viên Lào, Campuchia học tập tại Việt Nam.
Với tầm nhìn của người lãnh đạo thật sự tâm huyết như thế, nghiêm túc từ lời nói đến hành động, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia "như được chắp cánh". Hội tiếp tục nghiên cứu, đưa chương trình ngày càng phát triển tại nhiều địa phương, với quy mô ngày càng được mở rộng. Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành ủy TP.HCM đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố phát động, từ đó đưa phong trào ngày càng lan tỏa, hiệu quả thiết thực và đi vào chiều sâu.
Tinh thần "nói đi đôi với làm" cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cao cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và trong quá trình học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" ngày 12.6.2021 do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo", chứ không chỉ nói suông, không chỉ học thuộc lòng. "Đừng nói một đằng mà làm một nẻo, nói trống rỗng, không thấm vào tim, vào gan, vào ruột gan mình”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "là người tiếp bước Bác Hồ, về đạo đức, tư cách, phong cách để phục vụ nhân dân, tất cả vì nhân dân. Giữa ý Đảng, lòng dân, Tổng Bí thư nêu gương đề ra và cũng nêu gương quyết tâm thực hiện".
“Mọi nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ phải đưa ra thực tế, lấy kết quả thực tế làm thước đo cho mọi hành động. Tổng Bí thư đã học tập Bác Hồ, nói ít làm nhiều, truyền cảm cho lớp trẻ và nhân dân Việt Nam học tập và làm theo. Từ đó mới tạo lòng tin cho nhân dân, tin vào Đảng và chính quyền”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nói.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ít làm nhiều, truyền cảm hứng cho lớp trẻ và nhân dân Việt Nam học tập, làm theo". Ảnh: Ngọc Xuân.
Với tinh thần tất cả vì nhân dân, Tổng Bí thư yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong để quần chúng noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Từ thực tiễn yêu cầu đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để việc nêu gương trở thành quy định. Ông đã thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng, ký Quy định số 08 năm 2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương - mà ông là người gương mẫu thực hiện.
Khu tư liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở UBND Phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM được thực hiện từ ngày 22.7.2024. Ảnh: H.T.
Giữ vững niềm tin của nhân dân
Chính sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các lãnh đạo chủ chốt đã tạo nên chỗ dựa vững chắc, sự bảo đảm về mặt chính trị. Tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành công, được nhân dân tin cậy và ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Phó ban Thường trực Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia tại TPHCM bày tỏ: Bản thân ông sống gần 50 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa thấy giai đoạn nào mà sự đấu tranh quyết liệt, phòng chống tham nhũng, lãng phí mạnh mẽ như thời gian qua. Và trong cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy gian khó này, không thể thiếu vai trò “ngọn cờ tiên phong” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự quyết đoán, mạnh mẽ, lời nói luôn đi đôi với việc làm.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tác phong gần dân, rất hòa đồng với dân và nói đi đôi với làm, không bao giờ nói suông. Các công việc thực tế hết sức quan trọng và cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lớn mạnh của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và đối với cả dân tộc Việt Nam. Chúng tôi hết sức ngưỡng mộ, nói là phải đi đôi với làm và sẽ cố gắng thực hiện những điều rất đơn giản trong cuộc sống, giúp cho cuộc sống ngày càng tiến bộ hơn”, ông Nguyễn Văn Triệu bày tỏ.
Không riêng ông Triệu mà đông đảo người dân đều nhận thấy, 12 năm kể từ khi chuyển mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng từ Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, nhân dân đã thấy một sự thay đổi rất lớn trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ cán bộ với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Ông Phan Xuân Nghĩa, cựu quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Campuchia, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Én cho biết, ông rất tâm đắc với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào tháng 1.2023.
Ông Phan Xuân Nghĩa, cựu quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Campuchia luôn tâm đắc những nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ngọc Xuân.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh “Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Theo ông Nghĩa, quan điểm nói đi đôi với làm là rất quan trọng trong điều kiện xã hội vẫn còn có những con mọt, con sâu, còn có những người tiêu cực, những người nói mà không làm. Cho nên những lời nói, việc làm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt thời gian qua nhắc nhở mọi người không được nói suông, không hô khẩu hiệu mà cần phải hành động, hành động rất nhiều, làm thật nhiều.
“Tôi cho rằng cuộc phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư là một cuộc cách mạng vừa bản lĩnh, ý chí, vừa dựa vào ý Đảng lòng dân và đã có những kết quả thành công ngoài mong đợi, thực sự nhiều khi chúng ta không tưởng tượng được. Có những người tưởng chừng đã hạ cánh an toàn nhưng khi lò đã cháy rồi thì củi khô, củi tươi đều cháy hết. Điều đó cho thấy, bác rất cương quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chúng ta thấy bác nói và bác làm thực tế rất tốt và rất hiệu quả”, ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa mong muốn: Đảng, Nhà nước ta tiếp tục phát huy quan điểm, phong cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi một đất nước ngoài giặc ngoại xâm thì giặc nội xâm - “giặc” tham nhũng cũng hết sức nguy hiểm, và việc “nói ít làm nhiều”, “nói đi đôi với làm” cũng là một trong những thông điệp sâu sắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho đời, cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Theo Ngọc Xuân-Thiên Lý-Đoàn Sĩ-Lưu Sơn (VOV)