Người trong sáng, liêm khiết đến tận cùng
Ngày 26.6.2006, khi phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lẩy một câu Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Hai câu 411, 412 này là lời của Kiều nói với Kim Trọng khi mới gặp nhau, mang tính dự cảm đầy trách nhiệm về chặng đường trước mắt, thể hiện tính tình khiêm nhường của một người có ý thức cao về nghĩa vụ và bổn phận. Lần khác, đồng chí tập Kiều tặng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội khóa XIII vừa trúng cử: “Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày... 5 năm sau”.
Trong Kiều, câu 1517, 1518 là cảnh Thúc Sinh tạm biệt Thúy Kiều, họ nâng ly rượu tiễn đưa: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”. Ở câu “tập” đầu, chữ “đưa” được thay bằng chữ “vui” cho đúng với không khí vui vẻ. Ở câu sau, thay chữ “năm sau” bằng “5 năm sau”, tức thời gian một nhiệm kỳ Quốc hội. Ý nghĩa toát ra: Chúc các đồng chí có 5 năm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, để cuối khóa cùng gặp gỡ với “chén mừng”. Bác Hồ cũng từng “tập” câu này trong những hoàn cảnh khác.
Thật sự hiểu biết vốn cổ, sự tinh tế về tâm lý, nghệ thuật mới có những câu lẩy/tập Kiều phù hợp, “đắc địa” như vậy!
Trong buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, đồng chí Tổng Bí thư tâm sự, được kết nạp Đảng khi đang học năm thứ tư Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt mà từng bước trưởng thành. Đồng chí nhắc lại những lời tâm nguyện: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!” và “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống...” trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”; “Còn một giây, một phút tàn hơi/ Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi” (thơ Tố Hữu). Khiêm nhường, bình dị. Trong sáng tận cùng. Say mê lý tưởng. Kiên định, nguyên tắc. Cống hiến, hy sinh đến phút cuối cùng của cuộc đời. Đó là cảm nhận của nhiều người về đồng chí Tổng Bí thư kính mến!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP Hải Phòng, tháng 11.2017. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã ngạc nhiên khi đọc luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Phú Trọng do Giáo sư Đinh Gia Khánh hướng dẫn có tên “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu”. Ngạc nhiên hơn khi thấy bài nghiên cứu “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” (sau này được tuyển in vào nhiều bộ sách) được in trên Tạp chí Văn học số 11.1968 của một sinh viên mà viết rất chững chạc, luận điểm thuyết phục, có khám phá mới, cách viết nhẹ mà sâu, uyển chuyển, tâm huyết. Tác giả tiểu luận ấy là Nguyễn Phú Trọng.
Xin giới thiệu một vài sự kiện trên để thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có năng lực nghiên cứu, lại sớm biết tích lũy để có kiến văn sâu rộng về văn hóa, văn học, sau này là triết học, chính trị học... Như cây đại thụ, nhờ cắm sâu vào mảnh đất văn hóa dân tộc và nhân loại (sau này, đồng chí đi học trên đại học ở Liên Xô (trước đây) và tự học nhiều ngôn ngữ, văn hóa khác), được quang hợp ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nên trái cây tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tỏa ra những hương vị đặc biệt, mặn mà phong vị truyền thống, đậm bản sắc Việt, lại rất hiện đại, mới mẻ, bản lĩnh, cách tân.
Có học hàm (giáo sư), học vị (tiến sĩ), từng xuất bản 35 đầu sách thể hiện tầm tư tưởng mang tính thời đại, có trình độ lý luận cao, tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ lý luận với tổng kết thực tiễn, thế nhưng đồng chí vẫn là người chăm chỉ học tập đến kinh ngạc. Phải giải quyết biết bao việc lớn của Đảng, Nhà nước, thế nhưng đồng chí vẫn dành thời gian đọc sách báo trong, ngoài nước. Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) kể, không chỉ thường xuyên đến thăm mà ngày nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đọc Báo QĐND. Chính đồng chí đã góp ý chuyển mục "Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Báo QĐND từ trang 8 về trang 1 để nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa và tăng tính hấp dẫn. Tài năng luôn có phẩm chất cần cù, chăm chỉ. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một trường hợp tiêu biểu!
Theo nhiều nghiên cứu chính trị học đương đại trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; bổ sung kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới để đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầy triển vọng. Thế nhưng chính đồng chí lại hết sức giản dị. Nhiều nhà báo cho biết, bộ vest được mặc để tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước (năm 2018) cũng chính là bộ vest 12 năm trước đồng chí mặc khi là Chủ tịch Quốc hội!
Như biển sâu không ồn ào, đồng chí luôn điềm đạm, khiêm nhường, ân nghĩa, chân tình với đồng chí, đồng bào. Nhà văn Nguyễn Chí Trung (từng là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thân quen với đồng chí Nguyễn Phú Trọng), khi còn sống thường lấy tấm gương Nguyễn Phú Trọng “lên lớp” cho cánh nhà văn trẻ chúng tôi về cách ứng xử văn hóa. Là chính khách lớn nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ to tiếng, nặng lời. Khách đến, dù là ai, đồng chí cũng đứng dậy ra đón, bắt tay thân tình, hỏi han gần gũi; khách về, chủ nhà đi theo, tiễn ra đến hành lang...
Ở cương vị cao nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ lễ nghĩa truyền thống tốt đẹp. Có dịp là đồng chí về quê, tự đi xe máy đến thăm các thầy, cô giáo cũ. Khi về thăm Khoa Văn (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), đồng chí vẫn coi mình như sinh viên ngày trước, lễ phép với các thầy cô, chan hòa cùng bạn hữu. Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa kể: “Anh Trọng là người hết sức khiêm tốn, tình nghĩa, thân thiết với bạn bè. Đức tính ấy, từ ngày sinh viên đến khi là Tổng Bí thư không hề thay đổi”.
Đó là người trong sáng, liêm khiết đến tận cùng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà vẫn cùng gia đình nhỏ sinh hoạt trong căn nhà công vụ như bao cán bộ bình thường khác. Học tập Bác Hồ, phong cách làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều vì dân, gần dân, yêu dân, trọng dân. Đến với đồng bào vùng xa xôi, hẻo lánh, như một người ông bế đứa cháu nhỏ, như một nông phu thân mật nói chuyện với bà con bản mường. Đại tá Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó tổng biên tập Báo QĐND kể, vinh dự nhiều lần làm phóng viên tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đi công tác bằng phương tiện công cộng, đồng chí thường đến thẳng những nơi khó khăn nhất, ăn cơm do văn phòng chuẩn bị, ngồi chung với anh em báo chí...
Phong cách thường đi đôi với tư tưởng, là biểu hiện bề ngoài của tư tưởng. Một trái tim nhân hậu như vậy thì có tư tưởng coi con người là yếu tố quyết định, cũng dễ hiểu. Di sản lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là bài học bằng vàng cho mai sau về công tác cán bộ, nhất là cán bộ tinh hoa cấp chiến lược. Trong thời buổi toàn cầu hóa, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế con người, càng thấy tư tưởng của đồng chí ngang tầm thời đại!
Thông minh và tinh tế; bản lĩnh và kiên trì; nhất quán, cụ thể và khoa học, khái quát, hầu như ở lĩnh vực chính trị, xã hội nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng để lại những ấn tượng sâu sắc qua hành động, lời nói...
“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào từ điển văn hóa Việt Nam để mãi mãi tỏa sáng một châm ngôn sống, một ứng xử văn hóa Việt!
PGS. TS NGUYỄN THANH TÚ
Theo Báo Quân đội nhân dân