Cơ giới hóa trong canh tác lúa: Giảm chi phí, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế
Nhằm hạn chế sức lao động trong khâu làm đất, xuống giống, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, vụ Thu 2024, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với HTX Nông nghiệp Nhơn Tân (TX An Nhơn) thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa (khâu gieo sạ) trong thâm canh lúa cải tiến gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 5 ha.
Máy sạ lúa theo cụm 10 hàng. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Trong sản xuất lúa, việc giảm lượng giống trong gieo sạ là một yêu cầu trong quy trình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Nếu không giảm được lượng giống gieo sạ những yêu cầu còn lại của quy trình gần như không còn ý nghĩa.
Theo đó, mô hình triển khai sử dụng máy sạ cụm 10 hàng với mật độ 4 kg/sào (80 kg/ha), các hàng cách nhau 25 cm, với mỗi cụm được sạ có từ 8 - 10 hạt/cụm, các cụm trên cùng một hàng cách nhau 14 cm, thời gian gieo sạ là 3 giờ/ha (tính từ khâu làm phẳng, lên rò, tạo rãnh thoát nước, gieo sạ).
Sau 3 tháng triển khai, giống lúa ĐV 108 được áp dụng trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ mọc cao đạt 90%, lúa cứng cây, không đổ ngã; sâu bệnh hại trên cây lúa giảm đáng kể so với đối chứng như: Bệnh khô vằn giảm 5%, bệnh đốm sọc vi khuẩn giảm 3%. Năng suất thực thu đạt 70,5 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,2 tạ/ha, lợi nhuận đạt hơn 26,5 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng (5,8 triệu đồng/ha).
Ông Phan Hòa Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Tân, cho biết: Sử dụng máy sạ lúa theo cụm phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, thời gian gieo sạ giảm đáng kể chỉ mất 3 giờ/ha, trong khi đó nếu sạ lan như lâu nay với mật độ từ 5 - 6 kg/sào phải mất đến 140 giờ/ha (tương ứng với 17,5 công lao động). Sử dụng máy sạ lúa theo cụm còn giảm chi phí giống được 720 nghìn đồng/ha, công gieo sạ giảm 625 nghìn đồng/ha, nhờ vậy năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây.
Kết quả mô hình cho thấy năng suất lúa tăng gần 8% và hiệu quả kinh tế tăng 28% so với ruộng lúa đối chứng gieo sạ theo kiểu cũ. Th.S Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khẳng định, cơ giới hóa gieo sạ chính xác sẽ giảm tối đa lượng giống, công lao động, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa và hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này ở những vùng sản xuất lúa tập trung của tỉnh như An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn.
THÀNH NGUYÊN