Nhịp sống bên đường tàu
Đoạn đường sắt từ ga Quy Nhơn đến ga Diêu Trì dài hơn 10 km đi qua nhiều khu dân cư thuộc các phường Lê Hồng Phong, Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước).
Số chuyến tàu đến, đi từ ga Quy Nhơn những năm qua không còn nhiều như trước đây, nhưng vẫn duy trì các chuyến TP Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Xung quanh ga Quy Nhơn, có nhiều hộ dân sống gần đường ray và tập trung ở khu phố 5, phường Lê Hồng Phong.
Một đoàn tàu đi qua khu vực có nhiều nhà dân ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN
Ông Trương Đăng Huy, người dân ở khu phố 5, cho biết: “Gia đình tôi đã hơn 30 năm sống gần khu vực đường ray xe lửa. Tiếng còi tàu báo hiệu, rồi tàu chạy qua rầm rập chỉ độ vài phút thường vào giữa buổi sáng hoặc buổi chiều nên cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của người dân. Ngày nào không nghe tiếng còi tàu còn cảm thấy thiếu thiếu âm thanh đã rất quen thuộc trong cuộc sống”.
Nhà dân ở phường Lê Hồng Phong chỉ ở một bên đường ray xe lửa, còn ở phường Đống Đa hai bên đều có. Do “lịch sử để lại” nên nhiều nhà chỉ cách đường ray một vài mét. Để giảm bớt nắng nóng, view mặt tiền buồn chán khi trước mắt chỉ là đường sắt chạy dài, nhiều nhà trồng cây xanh, hoa.
Người dân sống cạnh đường ray xe lửa đã quen với đường đi không thuận tiện. Ảnh: DŨNG NHÂN
Dù phía trước nhà chỉ là đường đất nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe máy tránh nhau, nhưng nhiều hộ vẫn kinh doanh tạp hóa, cà phê, quán ăn uống, tiệm uốn tóc… với giá rẻ hơn “ngoài phố” nhằm đáp ứng nhu cầu người dân địa phương.
Không gian sinh hoạt ngoài trời trước nhà đặc trưng của những hộ dân sống hai bên đường ray xe lửa đoạn qua phường Đống Đa. Ảnh: DŨNG NHÂN
Theo một chủ quán cà phê cạnh đường sắt tại hẻm 1083 đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, thời gian tàu đi qua nhà chỉ rất ngắn trong ngày, nên việc đi lại, nhịp sống, mưu sinh ở đây sau khi đoàn tàu đi qua “chia cắt” rất nhanh chóng được tái lập. Cũng có những khách biết đến, tìm đến ngồi quán cà phê trong giờ có tàu đi qua, để ngắm nhìn những toa tàu lướt nhanh trước mắt…
Biết rõ giờ chạy tàu nên trẻ em sống ở khu vực cạnh đường ray thoải mái đi dạo, vui chơi những lúc vắng tàu. Ảnh: DŨNG NHÂN
Vào mỗi buổi chiều mát, trên những con đường nhỏ ven đường ray, trẻ con vui đùa, người lớn ngồi hóng mát trước nhà. Sự yên bình được người dân tạo ra khi thích nghi với cuộc sống bên đường ray, chủ động phòng, tránh các nguy cơ mất ATGT đường sắt.
Tại khu vực xung quanh ga Diêu Trì có nhiều ngôi nhà (thuộc thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì) ở gần đường ray xe lửa, là nơi sinh sống của nhiều gia đình cán bộ, nhân viên ngành đường sắt hoặc người dân. Một trong số này là gia đình ông Đào Vĩnh An, cán bộ hưu trí, đã sống cạnh ga Diêu Trì gần 45 năm qua.
Một số người dân bán các loại đồ ăn gần bên cạnh đường tàu đoạn qua phường Đống Đa. Ảnh: H.THU
“Ga Diêu Trì có nhiều tàu thường xuyên đến, đi hằng ngày từ sáng đến tối. Trước đây, nhiều hộ dân bán đồ ăn uống, đặc sản địa phương tại ga Diêu Trì, sau đó việc buôn bán cũng bớt nhộn nhịp dần khi khách ít xuống tàu để mua hơn, bởi trên tàu cũng đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu ăn uống của khách”, ông An tâm sự.
HOÀI THU