Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ toàn diện trẻ em
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 7.3.2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (về thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc). Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, từ đây sẽ có nhiều giải pháp thiết thực để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em toàn diện hơn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ĐỖ THỊ DIỆU HẠNH
* Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một trong những công tác luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bà có thể cho biết một số điểm nổi bật của công tác này trong thời gian qua?
- Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình và xã hội trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5.11.2012 của Bộ Chính trị về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý, các quyền cơ bản của trẻ em được đảm bảo. Toàn tỉnh có gần 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, hỗ trợ kịp thời; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,1%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp THCS đạt 99,7%; tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90%.
Với chức năng và nhiệm vụ của ngành, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức 12 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, phòng, chống tai nạn thương tích, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em cho cha mẹ và người chăm sóc tại các địa phương của tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 15 buổi truyền thông về kỹ năng tự bảo vệ, đặc biệt là kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em cho hơn 3.500 học sinh tại các trường tiểu học và THCS...
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại huyện Vân Canh. Ảnh: T.K
* Để triển khai hiệu quả Kế hoạch 131/KH-UBND của UBND tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào những hoạt động nào, thưa bà?
- UBND tỉnh đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, như: Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội theo quy định.
Cùng với đó, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội dành cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm như ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Tháng hành động vì trẻ em, tết Trung thu… đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động khác liên quan đến trẻ em.
* Được biết, hiện nay tình trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng phức tạp. Theo bà, đâu là giải pháp mang tính căn cơ để hạn chế và đẩy lùi tình trạng này?
- Hiện nay, trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng với tính chất và mức độ phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em; bố mẹ ít có thời gian quan tâm đến con; gia đình không hạnh phúc, đổ vỡ...
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với nhiều hình thức, đặc biệt là giới thiệu về tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111); triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp); ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
Cùng với đó, giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã nắm bắt tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành động xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
*Xin cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)