Quản lý tài nguyên, khoáng sản, theo nguyên tắc rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Luật Địa chất và Khoáng sản cần có quy định về trình tự điều chỉnh quy hoạch về địa chất, khoáng sản theo hướng rút gọn, giúp tăng hiệu quả đầu tư, bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Sáng 26.8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành hữu quan để bổ sung, hoàn thiện dự án luật; đồng thời chú ý tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về cách thức quản lý tài nguyên, khoáng sản, theo nguyên tắc, "rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng”, không để “một việc, hai người”, không quy định cứng những vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ như bộ máy tổ chức, ngân sách...
"Luật cần có quy định về trình tự điều chỉnh quy hoạch về địa chất, khoáng sản theo hướng rút gọn do tiến bộ khoa học công nghệ giúp hiệu quả đầu tư tăng lên, bảo vệ môi trường và phù hợp xu thế thời đại hơn nhưng không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, quá trình thực hiện quy hoạch”,Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, luật phải quy định cơ chế, chính sách phân bổ, bố trí ngân sách để điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng những loại khoáng sản có trữ lượng lớn, mang tính chiến lược trong phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về đầu tư, ngân sách.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể đối với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật về các nội dung liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền lập, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước trong thực hiện quy hoạch, thăm dò khoáng sản; nguyên tắc, tiêu chí về trường hợp phải đấu giá và không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xử lý, giải quyết chồng lấn về quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác; các điều cấm của luật.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tập trung hoàn thiện dự án luật, bảo đảm cho dự án luật trí tuệ, chất lượng và khi trình ra Quốc hội, dự án luật phải đạt được sự thống nhất cao”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Hồ sơ dự án luật. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành dự thảo luật và cơ bản thống nhất với bố cục và nhiều nội dung dự thảo luật.
Về quy hoạch khoáng sản, trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo 2 phương án và phân tích ưu nhược điểm của từng phương án để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản hoặc giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo có 2 phương án về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án, dự thảo luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Liên quan đến Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành để đảm bảo công nhận kết quả thăm dò khoáng sản khách quan, minh bạch, có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn sâu về lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Hội đồng đã hình thành từ nhiều năm, hoạt động độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã quy định Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về tiêu chí không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thu hẹp tiêu chí không đấu giá, cụ thể, bỏ quy định "khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản”.
Đáng chú ý, liên quan đến đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quy hoạch khoáng sản tại Bình Phước, Đắk Nông (một số đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 7), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện có một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn như chồng lẫn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nằm trong khu vực quy hoạch khoáng sản; việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng; cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, san lấp trên diện tích quy hoạch khoáng sản; thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác.
Liên quan đến điều 5 về "nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản"; điều 10 về "những hành vi bị cấm”, bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông) cho rằng cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong chính các điều này cũng như trong sự tương quan với quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan về quản lý các loại tài nguyên.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành cho ý kiến liên quan đến trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nguyên tắc xác định hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chế biến khoáng sản.
Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)