Giải pháp kết nối đầu ra cho sản phẩm theo chuỗi
(BĐ) - Sáng 30.8, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, kết nối đầu ra cho sản phẩm nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) theo chuỗi giá trị năm 2024. Dịp này, CLB nông dân SXKD theo chuỗi giá trị của tỉnh đã chính thức ra mắt.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh, SXKD theo chuỗi giá trị là phương thức sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, phù hợp thị trường, giúp nông sản tăng sức cạnh tranh trong môi trường kinh tế khắc nghiệt. Nhằm hỗ trợ và phát triển mô hình này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2024/QĐ-UBND vào ngày 19.5.2021, phê duyệt đề án “Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 - 2025”.
Kể từ năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các địa phương triển khai đề án, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức về lợi ích của mô hình chuỗi giá trị đã được nâng cao, giúp nông dân phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm an toàn có thể truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, trong năm 2022 - 2023, toàn tỉnh đã có 46 dự án nông dân SXKD theo chuỗi được công nhận và trong năm 2024, có 102 hộ dân đã xây dựng dự án SXKD theo chuỗi, với nhiều dự án đang được xem xét ở cấp huyện.
Hệ thống liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ tham gia đề án cũng đã được thiết lập, trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục, thông qua mạng lưới kết nối như Cafram, Yuuki Farm. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn từng bước xây dựng hình ảnh người nông dân trong thời kỳ mới.
Để hỗ trợ nông dân minh bạch hóa quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Ban điều hành đề án đã ký kết chương trình hợp tác với 15 đơn vị, gồm Bưu điện tỉnh, Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế và kế toán, Viện nghiên cứu KH&CN mới (Trường ĐH Quy Nhơn) và 12 DN khác.
Đại diện Hội Nông dân TP Quy Nhơn trao đổi một số khó khăn mà hội viên, nông dân trên địa bàn gặp phải khi tham gia đề án. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại hội nghị, các hội viên đã trao đổi về những khó khăn trong việc thực hiện đề án, bao gồm việc công khai quỹ đất, cơ chế thuê đất và chính sách tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, nông dân kiến nghị tỉnh cần khuyến khích phát triển các điểm bán sản phẩm đặc trưng địa phương và hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Đồng thời, các chính sách về nhãn hiệu, bao bì và quảng bá sản phẩm cũng cần được tăng cường…
Hội nghị lần này không chỉ là dịp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, mà còn khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững và hiện đại.
TRỌNG LỢI