Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Quyết liệt xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản
Các địa phương có biển ở phía Nam đã ráo riết, kiểm soát chặt hoạt động khai thác biển theo quy định của pháp luật, nhằm thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU và gỡ Thẻ vàng IUU.
Kiểm tra thiết bị định vị tàu cá. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Việc thực thi pháp luật trên biển đối với cộng đồng ngư dân khai thác xa bờ trở nên cấp thiết trong tiến trình tiệm cận gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đang đến gần.
Chính vì vậy, các địa phương có biển phía Nam đã ráo riết, kiểm soát chặt hoạt động khai thác biển theo quy định của pháp luật.
Cùng với nhiều giải pháp được chính quyền địa phương các tỉnh có biển thực hiện bấy lâu nay như tuyên truyền nâng cao ý thức thực thi Luật Thủy sản 2017 đến cộng đồng ngư dân, các địa phương có biển cũng đã áp dụng nhiều biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU đã được các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm soát triệt để.
Cụ thể, ngày 16.8.2024 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp với Đồn biên phòng Bến Đá (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Bé (57 tuổi, quê Bình Định) tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Lực lượng biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền cho ngư dân về IUU trước khi ra khơi. Ảnh: Hoàng Nhị/ TTXVN.
Theo điều tra, ông Bé vừa là chủ, vừa là thuyền trưởng của một tàu cá biển số Bình Định. Quá trình sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản, ông Bé đã 2 lần điều khiển tàu sang vùng biển Malaysia khai thác thủy sản trái phép.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Công an tỉnh đang điều tra, làm rõ để xử lý vụ 4 tàu cá khác của tỉnh gồm BV-970xx-TS, BV-979xx-TS, BV-976xx-TS và BV-957xx-TS tháo thiết bị giám sát hành trình để vượt ranh giới, đánh bắt cá.
Ngoài mạnh tay xử lý trường hợp vi phạm, nhiều địa phương khu vực phía Nam cũng có nhiều biện pháp khác phòng ngừa các hành vi khai thác bất hợp pháp. Bằng các hình thức lập đường dây nóng, quan sát chéo, các ngư dân có thể nhắc nhở lẫn nhau tránh vi phạm khai thác bất hợp pháp, không theo quy định; trong đó phổ biến là tắt thiết bị giám sát hành trình.
Theo ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, hiện tỉnh Cà Mau tập trung xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp để theo dõi, quản lý và kiểm tra.
Cho đến nay, tỉnh Cà Mau có 10 Trạm kiểm soát Biên phòng và thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng, đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến đều được theo dõi, giám sát 24/7.
Tỉnh Cà Mau cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh thông qua phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá. Phần mềm này nhằm đảm bảo khi tàu cá ra vào cửa biển đều có sự kiểm soát của cảng cá, Văn phòng IUU và trạm kiểm soát biên phòng, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm soát, thống kê, báo cáo tàu cá theo quy định.
Thêm vào đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng đang triển khai đăng ký, quản lý các tàu cá thuộc diện “3 không”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau đã công bố danh sách, niêm yết tại các địa phương về việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá “3 không”. Đến ngày 31.12.2024, nếu các chủ tàu không thực hiện đăng kiểm thì tuyệt đối không được phép hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào.
Hiện tại 100% đơn vị cấp xã đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt. Các đơn vị có liên quan đã vận động 34.266 hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản, ông Lê Hoàng Vũ cho biết thêm.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã có 100% tàu cá được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,4% trong tổng số 3.632 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp.
Đồng thời cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quyết tâm chính trị của tỉnh, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương.
Bên cạnh việc tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ngư dân nắm rõ các quy định về đánh bắt hải sản, hiểu được tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không gỡ được “thẻ vàng”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang còn phối hợp điều tra, xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Nghị quyết này là bước đột phá, tháo gỡ được vướng mắc lâu nay về pháp lý khi xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác hải sản bất hợp pháp, ông Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)