Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường: Ðem lại nhiều kết quả tích cực
Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng, nhiều mô hình bảo vệ môi trường từ sáng kiến cộng đồng đã được triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Vườn xanh, nhà sạch
Hiện nay, nhiều hộ dân ở thôn Thọ Nghĩa, Hưng Nghĩa, Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước); thôn Thái Thuận, xã Cát Tài và thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) thực hiện đều đặn, hiệu quả việc phân loại rác thải tại nhà. Sau khi phân loại, rác thải hữu cơ (RTHC) được người dân dùng ủ làm phân bón cho các loại rau màu và cây ăn trái, giúp cây, rau phát triển tốt và người dân có nguồn rau, quả sạch sử dụng hằng ngày.
Bà Ngô Thị Minh lấy nước rỉ từ thùng ủ rác thải hữu cơ để tưới cho rau màu. Ảnh: V.L
Được biết, đây là những địa phương được Hội Nông dân (HND) tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) chọn thực hiện mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý RTHC thành phân bón hữu cơ”. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 60% chi phí mua thùng HDPE loại 120 lít và chế phẩm sinh học để xử lý, ủ RTHC thành phân bón. Ngoài ra, người dân được cấp thẩm quyền tập huấn, cán bộ chuyên môn về tận nhà hướng dẫn phân loại rác thải và kỹ thuật ủ phân hữu cơ.
Bà Ngô Thị Minh, ở thôn Hưng Nghĩa, cho hay: “Sau hơn 1 năm thực hiện, nay việc phân loại rác thải tại nguồn và ủ RTHC làm phân để bón cho cây trồng, rau màu đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Lợi ích của việc làm này là giảm lượng rác thải thải ra môi trường và giúp vườn nhà, đường quê ngày càng sạch sẽ, tinh tươm nên bà con tích cực tham gia”.
Còn ông Trần Thanh Thinh, ở thôn Thái Thuận, chia sẻ: “Mỗi ngày, gia đình tôi thải ra từ 6 - 8 kg rác, trong đó có đến 70% là RTHC như rau, củ, quả hư; thức ăn thừa… Tôi cho tất cả RTHC vào thùng HPDE ủ làm phân, sau khoảng 30 - 35 ngày, dùng bón cho các loại rau màu, cây ăn trái. Loại phân này vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp cây, rau phát triển xanh tốt và cho ra sản phẩm sạch để gia đình tôi an tâm sử dụng”.
Theo ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, sau khi thực hiện mô hình “Vườn xanh”, người dân ở thôn Thái Thuận đã thay đổi nhận thức và thực hiện tốt việc phân loại, ủ RTHC thành phân bón. Đặc biệt, lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường ở thôn Thái Thuận giảm rõ rệt. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các thôn còn lại trên địa bàn xã.
Vì môi trường xanh, sạch
Bên cạnh mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý RTHC thành phân bón hữu cơ”, HND tỉnh và CCRD còn triển khai hiệu quả mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường biển” tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) và mô hình “Bóng mát đường quê” tại xã Cát Minh.
Để thực hiện mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường biển”, địa phương thành lập 2 tổ tự quản và trang bị 5 thùng chứa rác, 5 khung lưới sắt chứa rác thải nhựa tái chế, 10 cái cào rác trên bãi biển. Tổ tự quản thực hiện dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường (BVMT) dọc 2 tuyến kè biển Lý Hòa - Lý Chánh và Lý Hưng - Lý Lương.
Ông Trần Văn Cư, Chủ tịch HND xã Nhơn Lý, cho biết: “Mô hình nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và tích cực hành động trong việc BVMT biển, sống thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải tại nhà; không xả rác thải xuống biển để hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng”.
Trong khi đó, mô hình “Bóng mát đường quê” đã góp phần thay đổi diện mạo, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên các tuyến giao thông nông thôn tại xã Cát Minh. Thực hiện mô hình, chính quyền địa phương và người dân trồng 2.000 cây bàng lá nhỏ tại 8 tuyến đường trung tâm thuộc 6 thôn của xã Cát Minh, với tổng chiều dài 8 km.
Đến nay, sau gần 1 năm được 8 tổ tự quản với gần 200 thành viên tích cực chăm sóc, tưới nước, bón phân, các cây bàng lá nhỏ sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, từ khi có mô hình “Bóng mát đường quê”, tình trạng vứt rác bừa bãi, thả rông gia súc, gia cầm trên các tuyến đường nông dân tự quản đã giảm rất nhiều.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh, nhìn nhận: Thỏa thuận hợp tác giữa HND tỉnh và CCRD về đẩy mạnh công tác BVMT đã đạt nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy thực thi chính sách về BVMT thông qua những hoạt động tăng cường sự tham gia của cộng đồng và nâng cao năng lực quản trị môi trường.
VĂN LỰC