Phát triển kinh tế xanh - nâng cao năng lực lao động theo hướng phi nông nghiệp
Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh từ sớm.
Việc phát triển kinh tế xanh đã có ảnh hưởng tích cực đến lao động trong nước, cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng phi nông nghiệp. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, góp phần bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển kinh tế quốc gia.
Về xếp hạng quốc tế, theo Chỉ số tăng trưởng xanh ấn bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44. Còn theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.
Phát triển kinh tế xanh - nâng cao năng lực lao động theo hướng phi nông nghiệp (Ảnh minh họa: KT)
“Phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. Tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất, phải được lồng ghép, có chính sách liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá.
Các tổ chức tín dụng cho vay phát triển các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, ngân hàng đã tham gia đầu tư vốn cho tài chính xanh từ nhiều năm nay: “Trong giai đoạn vừa rồi, ngân hàng tăng trưởng rất mạnh về tín dụng xanh, hiệu quả. Dư nợ cho tăng trưởng xanh khoảng 10.000 tỷ. Những khó khăn, thách thức là trong giai đoạn vừa rồi lãi suất khá cao, đa số đầu vào là ngắn hạn nhưng đầu tư cho tăng trưởng xảnh là dài hạn vì vậy ngân hàng phải cân đối nguồn vốn”.
Việc phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch và chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh vực. Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.
Theo Bảo Ngọc (VOV1)