Chủ động trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại
Sáng 22.10, tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), UBND tỉnh tổ chức cuộc diễn tập ứng phó bão lũ với phương châm “hành động sớm, ứng phó kịp thời để không ai bị bỏ lại”.
Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các địa phương, LLVT huyện Tuy Phước, dân quân tự vệ, y tế và nhân dân xã Phước Sơn, cùng các lực lượng phối hợp đứng chân trên địa bàn, trong đó có Đồn Biên phòng Nhơn Lý, với hơn 100 người và nhiều phương tiện tàu thuyền, ca nô các loại.
Thực binh sát thực tế
Tình huống giả định dựa trên kịch bản về cơn bão số 5 - JEBI, với sức gió cấp 12 - 13, giật cấp 14, dự kiến đổ bộ vào khu vực từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Lượng mưa dự báo từ 400 - 600 mm, có nơi vượt 600 mm, đẩy mực nước các sông trong tỉnh lên mức báo động 3, tương đương lũ lịch sử.
Đợt diễn tập tái hiện nhiều tình huống cụ thể từ công tác chuẩn bị, ứng phó, cho đến khắc phục hậu quả thiên tai, giúp các cấp chính quyền và người dân có thêm kinh nghiệm ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
Lực lượng CA, quân đội sử dụng ca nô thực binh tình huống tìm kiếm và cứu nạn người mất tích, đuối nước trên đầm Thị Nại (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) qua tình huống giả định bão số 5 ảnh hưởng vào Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Quá trình diễn tập, các lực lượng đã thực hành chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo hình thức tập trung và xen ghép. Công tác hậu cần cũng được triển khai sát thực tế, bảo đảm đủ nhu yếu phẩm và nơi ăn ở cho người dân trong thời gian tránh bão. Các tình huống tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu nạn nhân đuối nước cũng được thực hiện ngay tại hiện trường, mang đến những trải nghiệm trực quan và sát với thực tế.
Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, cho biết, việc chọn huyện Tuy Phước làm địa điểm tổ chức diễn tập dựa trên đặc điểm vùng này thường xuyên hứng chịu cả bão mạnh và lũ lớn. Xã Phước Sơn, nơi thực hiện diễn tập, đáp ứng tốt các yêu cầu về điều kiện địa hình và hạ tầng, giúp tái hiện chính xác các tình huống thiên tai thực tế. Đây không chỉ là cơ hội để chính quyền và người dân rèn luyện kỹ năng ứng phó, mà còn giúp các địa phương khác trong tỉnh rút kinh nghiệm và vận dụng vào thực tế tình hình của mình.
Công tác sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân bị đuối nước do bão số 5 (giả định) gây ra được thực hiện ngay hiện trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Buổi diễn tập cũng làm lộ ra một số hạn chế trong công tác ứng phó thiên tai hiện nay, nhất là khả năng vận hành cơ chế. Thông qua các tình huống trực quan tại buổi diễn tập, các cấp chính quyền sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về những vấn đề cần khắc phục, từ khâu chỉ đạo đến điều phối các lực lượng.
Một trong những ưu tiên hàng đầu được nhấn mạnh tại buổi diễn tập là công tác cứu người. Theo ông Chương, để bảo đảm an toàn cho người dân, các cấp chính quyền phải hoàn tất việc sơ tán dân ít nhất 36 giờ trước khi bão đổ bộ. Không chỉ di dời kịp thời, công tác hậu cần tại các điểm tránh trú bão lũ cũng phải được chuẩn bị chu đáo để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc.
Nâng cao nhận thức - kỹ năng - năng lực
Buổi diễn tập thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các cấp chính quyền. Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, cho biết, nội dung diễn tập lần này được thiết kế sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Trung tá Đoàn Văn Thọ, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tuy Phước, nhìn nhận: Cuộc diễn tập vừa là cơ hội huấn luyện, vừa tạo điều kiện để các đơn vị quân đội tiếp cận thực tế, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Trước thềm mùa bão lũ năm nay, Ban CHQS huyện đã chuẩn bị chu đáo về lương thực, trang thiết bị và phương tiện; đồng thời tổ chức tập huấn cho các đội xung kích tại huyện và xã. Cán bộ còn trực tiếp hướng dẫn người dân ở những khu vực thường xuyên ngập lụt về cách ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả bão lũ. Những nỗ lực này nhằm bảo đảm an toàn và tăng khả năng tự chủ cho cộng đồng trong tình huống thời tiết khắc nghiệt.
Đợt diễn tập có sự tham gia của số lượng lớn lực lượng và phương tiện cả trên bộ và dưới nước, diễn ra với cường độ huấn luyện cao. Các tổ công tác đã phối hợp nhịp nhàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Cuộc diễn tập cũng củng cố năng lực điều hành của ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, đồng thời cải thiện khả năng phối hợp giữa các lực lượng và sự chủ động của người dân trong tình huống khẩn cấp. Những bài học rút ra từ đợt diễn tập sẽ giúp các địa phương điều chỉnh kế hoạch ứng phó phù hợp, giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, nhìn nhận, với vị trí địa lý của huyện, bão lũ là điều khó tránh khỏi, nhưng địa phương luôn chủ động các phương án ứng phó. Việc tỉnh chọn xã Phước Sơn làm nơi diễn tập đã tạo cơ hội cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện kiểm tra, đánh giá khả năng huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đây là dịp để các đơn vị phối hợp nhịp nhàng hơn và điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất cho công tác ứng phó. Theo ông Xuân, sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần chủ động sẽ là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm an toàn và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Buổi diễn tập còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc ứng phó với thiên tai. Những kinh nghiệm thu được sẽ được chia sẻ và nhân rộng, giúp các địa phương khác xây dựng phương án phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với các huyện miền núi, nơi thiên tai có đặc thù riêng, các bài tập sẽ được điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả tối ưu.
Bà Phạm Thị Mai, người dân xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), chia sẻ: “Tham gia cuộc diễn tập này, tôi đã hiểu rõ hơn cách chuẩn bị và ứng phó khi bão lũ xảy ra. Khi có thông tin dự báo thời tiết về thiên tai, tôi biết cần chằng chống nhà cửa thế nào, dự trữ lương thực và nước uống ra sao và đặc biệt là tâm lý sẵn sàng sơ tán khi chính quyền yêu cầu. Những kỹ năng này thực sự cần thiết để bảo vệ gia đình và tài sản trong mùa mưa bão”.
TRỌNG LỢI