Tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống người lao động
10 tháng đầu năm 2024, mục tiêu tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh đạt gần 95%. Các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía đã góp phần xây dựng môi trường lao động ổn định, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, nâng cao đời sống cho người lao động.
Thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm cho 32.500 lao động trong năm 2024, đến nay đã có khoảng 30.800 người lao động trong tỉnh được tạo việc làm, đạt gần 95% kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế đã góp phần làm thị trường lao động ổn định. Nhu cầu tuyển dụng của các DN trong một số lĩnh vực đang tăng lên, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Sở LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2024, có khoảng 28.800 việc làm trống trong và ngoài tỉnh cần người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh (28 tuổi, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) là một ví dụ điển hình. Sau thời gian nghỉ việc để sinh con nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, chị đã tìm được việc làm gần nhà tại Công ty CP May Phù Cát với vị trí quản lý chuyền may. Chị chia sẻ: “Được đi làm gần nhà với thu nhập ổn định là mong mỏi của tôi sau thời gian nghỉ thai sản. Tôi hy vọng DN có đơn hàng ổn định để công nhân chúng tôi có việc làm lâu dài”.
Để tăng cường hiệu quả hợp tác, Sở LĐ-TB&XH và Ngân hàng CSXH tỉnh ngay trong quý I/2024, đã ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ vay vốn cho lĩnh vực việc làm và giáo dục nghề nghiệp.
Từ vốn vay giải quyết việc làm, chị Lê Thị Hồng Phượng đã đầu tư làm trại nấm, từ đây vợ chồng chị đã có nguồn lực đảm bảo cuộc sống. Ảnh: N.M
Nhờ đó, chính sách cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho nhiều dự án sản xuất kinh doanh phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, 11.122 dự án đã được phê duyệt với tổng số tiền cho vay 615 tỷ đồng, tạo việc làm cho 13.000 lao động.
Được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng nấm, chị Lê Thị Hồng Phượng (43 tuổi, thôn Tân Đức, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) cho biết: “Tiền vay được tôi đầu tư mua 10.000 phôi nấm. Tôi xoay vòng các đợt nuôi phôi, và phát triển số lượng nên đến nay trại nấm của tôi đã có khoảng 20.000 phôi, từ trại nấm vợ chồng tôi đã có nguồn lực đảm bảo cuộc sống và nuôi 3 đứa con đang học ĐH tại TP Hồ Chí Minh.”
Sở LĐ-TB&XH đã theo dõi sát thị trường lao động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động và kết nối cung - cầu lao động.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch TP Quy Nhơn và 108 phiên giao dịch lưu động, với 1.200 lượt DN và 8.555 lượt người tham gia. Kết quả, có 4.300 lao động đăng ký việc làm, và 1.095 lao động đã được giới thiệu cho các DN. Hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho 53.060 lượt người, cung ứng và giới thiệu việc làm cho 5.745 người.
Theo báo cáo từ các DN có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong 10 tháng năm 2024, Bình Định có 816 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 102% kế hoạch, trong đó, Nhật Bản có 733 người, Hàn Quốc 27 người, Đài Loan 34 người.
Ông Võ Lê Thi Văn, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ, cho biết: “Trong tháng 10, Phòng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm cho 10 xã nhằm kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện xuất khẩu 100 lao động, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu 120 lao động, hiện đã có 80 người đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài.”
Anh Phạm Đồng Tín (27 tuổi, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đã trúng tuyển làm công nhân chế biến thực phẩm cho một DN Nhật Bản và xuất cảnh trong tháng 6.2024. Anh chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng làm việc tốt nhất, trân trọng cơ hội việc làm này để có tương lai ổn định hơn.”
NGUYỄN MUỘI