Vươn lên từ nghề truyền thống
Nối nghiệp làm bánh tráng truyền thống từ thời của ông cha, ông Nguyễn Đình Tân, 63 tuổi, ở làng nghề bánh tráng Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, cùng vợ và các con tiếp tục phát triển cơ sở làm bánh tráng truyền thống bằng cách đầu tư máy móc hiện đại, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường và mong muốn cải thiện năng suất, hai người con trai đã bàn với vợ chồng ông Tân đầu tư máy móc thay vì sản xuất thủ công như bao năm nay. Với số tiền tiết kiệm và khoản vay 100 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH TX An Nhơn, gia đình ông Tân chi hơn 300 triệu đồng để mua dàn máy tráng bánh và máy nướng bánh tráng.
Người lao động địa phương làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng của ông Nguyễn Đình Tân. Ảnh: AN PHƯƠNG
Chuyển đổi sang sản xuất bánh tráng bằng máy đã 2 năm nay, ông Tân so sánh: “Ngày trước, vợ chồng tôi tráng 1.000 cái bánh tráng trong 6 giờ đồng hồ là đuối sức. Nay, 6.000 cái bánh tráng mà máy làm chỉ 3 giờ đồng hồ. Năng suất tăng, thời gian thu ngắn lại nhiều lần so với trước đây”.
Không chỉ tiếp nối nghề truyền thống gia đình, ông Tân còn mở rộng hoạt động sản xuất bằng cách mua thêm bánh tráng nước dừa để nướng và cung cấp cho các bạn hàng ở trong và ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (58 tuổi), vợ ông Tân cho biết: “Bánh tráng nước dừa cũng là đặc sản của tỉnh mình. Nhiều bạn hàng, nhất là bạn hàng ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai… muốn lấy thêm nguồn hàng này từ chỗ gia đình tôi luôn. Vậy nên, chúng tôi quyết định lấy bánh tráng nước dừa từ những địa chỉ uy tín, tận dụng công suất dàn máy nướng để có thêm sản phẩm cung cấp cho bạn hàng”.
Không chỉ cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất của ông Tân còn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Chỉnh, ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, chia sẻ: “Công việc gần nhà, tôi có thể tranh thủ thời gian để đưa đón con đến lớp, về nhà. Tùy vào lượng bánh làm ra mà mỗi tháng tôi có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng”.
AN PHƯƠNG