Rác thải nhựa và những hệ lụy
Gần như toàn bộ các loại rác thải nhựa đều tồn tại trong môi trường từ 350 năm đến hơn 1.000 năm. Điều kinh khủng là nó không bị tiêu hủy triệt để mà chỉ bị phân rã nhỏ hơn thành vi nhựa. Đây là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong số 5 nước thải vào đại dương tới 60% lượng rác nhựa của nhân loại. Rác thải nhựa phân rã trong đại dương sẽ được sinh vật phù du, các loài cá, chim… hấp thụ và con người sẽ là đỉnh của chuỗi thức ăn này. Đáng nói, độc tố từ nhựa được nhiễm vào mô mỡ của các loài động vật mà con người ăn hằng ngày và đương nhiên con người cũng chịu ảnh hưởng tương tự.
Những hệ lụy mà rác thải nhựa gây ra cho môi trường và sức khỏe con người vô cùng lớn, vậy nhưng tình trạng vứt rác thải nhựa trực tiếp ra môi trường vẫn diễn ra hằng giờ, hằng ngày và hầu khắp mọi nơi.
Dây chuyền tái chế rác thải nhựa tại Cơ sở thu hồi vật liệu thuộc Khu xử lý chất thải rắn tập trung Long Mỹ. Ảnh: M.N
TS Đỗ Thị Thu Trang - Trưởng nhóm Môi trường và Phát triển bền vững, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo lục Liên ngành (IFIRSE) thông tin: Lượng rác thải thu gom hằng ngày trên địa bàn TP Quy Nhơn khoảng hơn 280 tấn. Trong đó, tổng khối lượng nhựa có trong rác thải khoảng 63 tấn/ngày; gồm nhựa có giá trị cao (khoảng 5,9 tấn) và nhựa có giá trị thấp như hộp xốp, khẩu trang; ly, thìa, ống hút nhựa, túi ny lông dùng 1 lần… chiếm khoảng 57,1 tấn.
Một khối lượng nhỏ nhựa có giá trị cao được nhóm lao động nhặt phế liệu tại Khu xử lý chất thải rắn tập trung Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) thu gom để tái chế, tái sử dụng. Riêng toàn bộ khối lượng nhựa có giá trị thấp chưa được thu gom và được chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn tập trung Long Mỹ, theo thời gian các loại nhựa được cắt nhỏ, hình thành vi nhựa trong môi trường đất.
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), các nhà khoa học đã tính toán, đến năm 2050, nếu thói quen tiêu dùng không thay đổi, nhựa dùng 1 lần không bị cắt giảm và không thể thu gom, tái chế thì số lượng rác nhựa toàn cầu sẽ lớn hơn khối lượng của toàn bộ cá trong lòng đại dương.
Do vậy, tái sử dụng, tái chế, sử dụng sản phẩm thay thế là giải pháp giảm áp lực rác thải nhựa cho môi trường và sức khỏe mỗi chúng ta. Đặc biệt, sẽ tối ưu hơn khi con người “nói không” với đồ nhựa trong sinh hoạt hằng ngày và đời sống.
MINH NHÂN