Mang tri thức đến với trẻ em vùng khó khăn
Suốt 5 năm qua, các bạn trẻ nhóm dự án Thư viện xanh không ngừng kết nối, kêu gọi, tự tay chọn mua sách và làm những vật dụng tái chế để vừa trao tặng thư viện, vừa tổ chức thêm nhiều chương trình cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Chị Thái Ngọc Sang (trái) và Trần Thị Thúy Hằng (phải) là những người trẻ theo dự án từ thuở ban đầu. Ảnh: D.L
Theo chị Thái Ngọc Sang (SN 1994, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn), Trưởng Ban tổ chức dự án, năm 2019, được truyền cảm hứng bởi một người bạn thực hiện dự án “1001 thư viện ở bản xa” phía Bắc, chị quyết định xây dựng một dự án tương tự ở Bình Định, dù biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Đã có nhiều hội, nhóm ở tỉnh đi theo hướng trao những phần quà như nhu yếu phẩm, tiền mặt… và họ làm điều này rất hiệu quả. Do vậy, tôi chọn mang sách đến cho trẻ em vùng còn khó khăn bởi tin rằng, sách sẽ là người bạn đồng hành bổ ích, giúp các em học tập, phát triển. Có thể đọc sách không mang lại sự giàu có nhưng ít nhất, khi nghiền ngẫm sách, các em sẽ trở thành phiên bản tốt hơn qua từng ngày”, chị Sang chia sẻ.
Các thành viên dự án cùng đọc sách với trẻ tại thư viện thứ 7, điểm trường Canh Giao thuộc Trường Tiểu học Canh Hiệp (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh). Ảnh: D.L
Tháng 6.2019, chị Sang và những người bạn chung chí hướng, cho ra mắt thư viện đầu tiên vào tại Trường Tiểu học Nhơn Châu (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn). Đến nay, đã có 7 thư viện như thế hình thành tại các điểm trường ở các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Điểm đặc biệt của Thư viện xanh là lực lượng tình nguyện viên gắn bó lâu dài, nhiệt tình kết nối, mở rộng mạng lưới. Có những gia đình trẻ dẫn theo con cái cùng tham gia, lại có những cặp đôi được “se duyên” từ dự án, lại có tình nguyện viên đến từ tỉnh khác. Thậm chí, cũng có những bạn tham gia dự án khi còn là sinh viên đến khi đã đi làm, ổn định công việc; vừa là tình nguyện viên, vừa trở thành nhà tài trợ không ngại khó khăn, đường xa.
Tình yêu trẻ em là sợi dây kết nối giữa các tình nguyện viên dự án.
- Trong ảnh: Tình nguyện viên gần gũi với trẻ em tại dự án thứ 6, Trường Tiểu học An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão). Ảnh: D.L
Chị Trần Thị Thúy Hằng (SN 2000, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) là trường hợp như thế. “Bén duyên” với Thư viện xanh từ dự án đầu tiên, Hằng từ một cô tình nguyện viên nhỏ nhắn, năng động; giờ đã tham gia vào khâu tổ chức, quen với việc kêu gọi, liên hệ với địa phương, đi tiền trạm, lên kế hoạch chi tiết…
“Suốt hành trình 5 năm ấy, tôi học được nhiều điều và cảm thấy hạnh phúc khi gặp được nhiều người cùng chí hướng và tình yêu với trẻ em. Có lẽ nhờ đó mà không chỉ cùng làm dự án, chúng tôi còn thường xuyên liên hệ, gặp mặt và xem nhau là những người bạn, chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc sống đời thường”, Hằng tâm sự.
Học sinh chăm chú đọc sách tại thư viện thứ 5, Trường Tiểu học Bok Tới (xã Bok Tới, huyện Hoài Ân). Ảnh: ĐVCC
Gần nhất, vào 2 ngày cuối tuần 12 và 13.10, dự án Thư viện xanh đã đến với điểm trường Canh Giao thuộc Trường Tiểu học Canh Hiệp (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) - nơi người dân vừa được dùng điện từ lưới điện quốc gia. Tại đây, đoàn cùng vẽ tường, lắp, trang trí kệ sách; tổ chức trò chơi cho trẻ; tổ chức cuộc thi kể chuyện về nhân vật lịch sử cho trẻ; trình diễn thời trang tái chế; nấu ăn cho các em.
Vẽ tranh tường, trang trí góc thư viện là một trong những hoạt động cố định được các tình nguyện viên chăm chút. - Trong ảnh: Các tình nguyện viên trang trí điểm đọc tại Trường Tiểu học An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão). Ảnh: D.L
Lần đầu tham gia chương trình, Nguyễn Ngọc Huy (SN 1995, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Hình ảnh khiến tôi nhớ mãi là khoảnh khắc sau khi hoàn thành điểm đọc sách, mọi người trong đoàn đều tự chọn một quyển sách và ngồi đọc cùng các em nhỏ ở xã Canh Hiệp. Dù đã thấm mệt sau một ngày dài, lại bị gián đoạn bởi thời tiết và địa hình nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi của họ. Nhờ vậy, tôi như được tiếp thêm năng lượng cho những hoạt động kế tiếp”.
DƯƠNG LINH