Sukhothai, cái nôi văn hóa của Thái Lan
Hằng năm, vào đêm rằm của tháng 12 theo lịch Thái Lan (khoảng tháng 11 dương lịch), hàng nghìn người dân Thái Lan và du khách hào hứng tham gia lễ hội hoa đăng Loy Krathong. Tại đây, mọi người cùng nhau thả những chiếc thuyền nhỏ được bao phủ bằng tàu lá chuối cùng với hương, hoa và nến trên các dòng sông để cầu mong may mắn.
Năm nay, lễ hội Loy Krathong diễn ra trên toàn quốc, nhưng tại TP Sukhothai, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, sự kiện này thường kéo dài trong 1 tuần (từ ngày 8 - 15.11) với nhiều hoạt động đặc sắc, như: Diễu hành đường phố, trình diễn ánh sáng, âm thanh và bắn pháo hoa. Đây là cơ hội hiếm hoi để du khách chiêm ngưỡng các di sản cổ đại của thành phố dưới ánh đèn huyền ảo. Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng nhiều người vẫn tin rằng Sukhothai là nơi khởi nguồn của lễ hội này.
Hằng năm, TP Sukhothai tổ chức lễ hội Loy Krathong trong 1 tuần. Ảnh: Patrick Aventurier/Gamma-Rapho/Getty Images
Sukhothai là kinh đô đầu tiên của Vương quốc Xiêm La (tên cũ của Thái Lan) vào thế kỷ XIII - XIV, trước khi Ayutthaya trở thành thủ đô thứ 2 vào năm 1438. Ngày nay, Công viên Lịch sử Sukhothai là nơi lưu giữ một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thái Lan, được nhiều học giả đánh giá là đại diện cho văn hóa của xứ sở Chùa Tháp hiện nay, trong đó có ngôn ngữ, tôn giáo và kiến trúc. Một điểm đặc biệt khác của thành phố này đó là: Hệ thống các hồ nhân tạo quanh các di tích lịch sử ở đây được liên kết với nhau một cách hệ thống. Nhờ vậy, Sukhothai được xem là thành phố có hệ thống cấp thoát nước hiệu quả nhất trong lịch sử Vương quốc Xiêm La.
UNESCO cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực thủy lực học ở Sukhothai, nơi có các hồ chứa nước và kênh được xây dựng một cách khoa học để kiểm soát lũ, đồng thời đưa nước đến để phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp, kinh tế.
HỒNG QUẢNG (Theo CNN)