Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh:
Để thực sự là trợ lực của doanh nghiệp
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh là một hình thức “trợ lực” cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy phát triển, đổi mới, cải tiến và ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Dù vậy, hoạt động của Quỹ hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh góp phần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu triển khai, nghiên cứu ứng dụng của các DN. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, với lãi suất tối đa bằng 70% lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Sau 8 năm, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh đã hỗ trợ cho 9 DN vay hơn 10 tỉ đồng để thực hiện 9 dự án (DA) sản xuất thử nghiệm và đổi mới công nghệ. Trong đó, có 2 DA tạo được sản phẩm hoàn toàn mới, không chỉ mang lại hiệu quả KT-XH, mà còn tạo dấu ấn công nghệ với thị trường trong và ngoài nước.
Thêm… một đồng vốn
Đối với các DN, đầu tư và đổi mới công nghệ được xem là động lực quan trọng để phát triển bền vững. Năm 2007, Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Vũ Thạnh (khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) nghiên cứu thành công hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động. 3 năm sau, DA thử nghiệm “Hoàn thiện hệ thống dây chuyền cắt tách nhân hạt điều tự động và phân loại sản phẩm sau cắt tách” chính thức được khởi động. Từ sản phẩm của DA, Công ty đã tiến hành cải tiến theo hướng giảm số lượng máy cắt, tiết kiệm năng lượng, nâng cao công suất từ 2 tấn/giờ lên 3 tấn/giờ và hạ giá thành sản phẩm chỉ còn một nửa. Đặc biệt, sản phẩm công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế về giải pháp hữu ích.
“Hồi đó, vốn nghiên cứu hoàn thiện hệ thống khá lớn, chúng tôi phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh cho vay 1,5 tỉ đồng thời hạn 3 năm, không cần thế chấp. Thêm một sự hỗ trợ là thêm động lực để chúng tôi mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu. Kết quả, chúng tôi đã thành công khi sản xuất và tiêu thụ đến 25 hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động, vượt xa con số 4 hệ thống trong mục tiêu DA đề ra, được các nhà máy chế biến hạt điều đặt mua, tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu” - ông Mai Vĩnh Thạnh, Giám đốc Công ty Vũ Thạnh, cho biết.
Cách đây 4 năm, Công ty cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) sản xuất thử nghiệm than củi hoạt tính từ phụ phẩm gỗ rừng trồng có sẵn tại địa phương. Đến nay, Biffa đã xây dựng được 50 lò nung và đưa vào hoạt động 38 lò, mỗi lò có thiết kế 10m3 theo đúng kỹ thuật do phía Nhật Bản chuyển giao; đồng thời đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề. Biffa đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất than củi hoạt tính từ công nghệ nung yếm khí dài ngày, sản xuất và tiêu thụ hơn 300 tấn/năm, trong đó 80% xuất khẩu cho khách hàng Nhật Bản.
Năm 2013, Biffa đã được chứng nhận DN KH&CN và than củi hoạt tính là sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả hoạt động KH&CN. Thành công của DA đã đóng góp vào doanh thu của Biffa thêm 3 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 30 lao động. Theo ông Võ Tuấn Toàn, Giám đốc Biffa, việc sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ mới sản xuất than củi hoạt tính cần có nguồn vốn lớn. Cùng với nhiều nguồn huy động, khoản tiền vay hỗ trợ 1,2 tỉ đồng từ Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh đã góp thêm “một đồng vốn” cho DN.
Để là chất xúc tác cần thiết
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều DN cần sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh về vốn, công nghệ để có thể mở rộng sản xuất cho ra những sản phẩm công nghệ cao, nâng cao giá trị, giải quyết việc làm cho người lao động. Và, Quỹ Phát triển KH&CN là một kênh cung cấp vốn cho vay lãi suất thấp hoặc tài trợ không hoàn lại một phần vốn cho các đề tài, DA KH&CN. Vì thế, hỗ trợ từ Quỹ là sự trợ lực cần thiết để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn các sản phẩm nghiên cứu với DN sản xuất kinh doanh, ứng dụng và đổi mới công nghệ, góp phần đưa các sản phẩm KH&CN vào cuộc sống.
Tuy nhiên, từ năm 2012, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh đã tạm dừng cho vay các DA mới. Lý do là trong 9 DA cho vay mới thu hồi được vốn của 5 DA với 5 tỉ đồng; 4 DA còn lại thì nợ gốc hơn 4,8 tỉ đồng, “lãi mẹ đẻ lãi con” đến nay đã “chồng” thêm 3,7 tỉ đồng. Trong 4 DN này, có 2 đơn vị không thực hiện DA là DN tư nhân Minh Đức và Công ty TNHH Ánh Tuyết (nhận vốn giải ngân nhưng không mua thiết bị); 2 DN triển khai DA giữa chừng thì ngừng hoạt động là DN tư nhân D&L và Công ty TNHH Nhật Khánh. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là hoạt động sản xuất thua lỗ kéo dài, hoặc DN đã… phá sản.
Tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, cho biết: “Năm 2014, khi nhận chuyển giao Quỹ, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp và phối hợp với các ngành liên quan để tiến hành thu hồi số nợ bị “chôn”, có nguy cơ mất vốn ở 4 DN nói trên; kể cả việc khởi kiện 1 DN. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan. Đến nay, khả năng thu hồi nợ cũng chỉ có 2 DN. Chúng tôi đang cân nhắc khởi kiện thêm 1 DN nữa”.
Mặt khác, mức kinh phí đầu tư cho Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh hiện nay được đánh giá là quá thấp, nên mức hỗ trợ vay vốn dành cho DN cũng thấp, tối đa là 2 tỉ đồng/đơn vị. “Hiện, chúng tôi đang xây dựng lại quy định về cho vay chặt chẽ hơn, với “đảm bảo” bằng tài sản hoặc DA KH&CN của DN được Bộ KH&CN hỗ trợ, tránh thất thoát vốn; đồng thời, nâng mức cho vay từ 2 tỉ đồng lên 4 tỉ đồng để vốn vay này thật sự là chất xúc tác cần thiết cho các DN đẩy mạnh đầu tư, cải tiến công nghệ”- tiến sĩ Lê Công Nhường nhấn mạnh.
THU HIỀN