Thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú Bành Thị Ngọc Quỳnh: “Chúng tôi làm theo đơn đặt hàng”
Ðây là cách nói chừng hơi khiêm tốn của nữ Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Bidiphar 1, Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Ðịnh (Bidiphar), về công việc của mình và tập thể làm công tác nghiên cứu, bào chế và sản xuất dược phẩm.
Những đơn đặt hàng mở đường
Sinh năm 1969, tốt nghiệp ngành dược sĩ năm 1992, chị về đầu quân cho Xí nghiệp Dược - trang thiết bị y tế Bình Định, nay là Bidiphar. Sau một thời gian ngắn làm việc tại phân xưởng dịch truyền (bộ phận pha chế thuốc tiêm), chị được chuyển lên bộ phận nghiên cứu, sản xuất thử. Tỉ mỉ, chịu khó, cầu toàn và tận tụy trong công việc là ưu điểm nổi bật của chị. Chính vì vậy, Công ty tin tưởng giao cho chị thực hiện một số dự án mang tính đột phá, mở đường cho chiến lược phát triển của Công ty về sau.
Như đề tài “Nghiên cứu sản xuất thuốc viên nang mềm sữa ong chúa (Nabee gold)” do chị làm chủ nhiệm (thực hiện từ 3.2008 - 6.2010, tổng kinh phí khoảng 2,7 tỉ đồng) là một thử nghiệm cho việc sản xuất các viên nang mềm. Sau thành công của sản phẩm Nabee gold, đến nay Bidiphar đã sản xuất thêm 14 loại dược phẩm dạng viên nang mềm khác.
Năm 2010, Bidiphar được Bộ KH-CN chọn giao đề tài “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư”. Đây là đề tài trọng điểm cấp quốc gia với kinh phí hỗ trợ 1,6 tỉ đồng. Một lần nữa, chị Quỳnh được Công ty giao làm chủ nhiệm đề tài.
Chị nhớ lại: “Thực ra, công nghệ tiêm đông khô đã được Bidiphar ứng dụng từ năm 2002. Trước đó, mới chỉ có Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur (Khánh Hòa) là thực hiện được thôi. Mình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của họ chẳng khác nào như đi học lóm bí quyết vì phải nhanh mắt ghi nhớ các loại thiết bị, máy móc mà họ sử dụng để về nói với nhà cung cấp thiết bị. Việc sản xuất ra thuốc tiêm đông khô điều trị ung thư dựa trên công nghệ đó. Chỉ khác là hóa chất sản xuất thuốc điều trị ung thư rất độc và đắt tiền, mỗi gram tính bằng mấy chục USD hay EUR nên càng nghiêm ngặt, cẩn thận hơn, nhất là không được để hóa chất dính vào người”.
“Nhạc trưởng” của dây chuyền
Giữa tháng 12.2014, Đề tài “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư” của tập thể kỹ sư, dược sĩ Bidiphar do thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh làm chủ nhiệm, đã được tặng Giải thưởng KOVA về khoa học - công nghệ ứng dụng lần thứ 12. Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng KOVA, đề tài này đã được 25 bệnh viện trung ương, địa phương sử dụng điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả rất tốt. Thuốc đáp ứng với nhu cầu người bệnh, giá thành rẻ gần một nửa so với thuốc nhập ngoại.
Nói về vai trò chủ nhiệm đề tài, Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú Bành Thị Ngọc Quỳnh khiêm tốn: Một sản phẩm ra đời là kết quả cố gắng của cả tập thể, gồm nhiều khâu hợp lại. Trước hết, từ việc hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm, rồi qua khâu nghiên cứu, pha chế đến sản xuất hay kiểm định chất lượng. Vậy nên, không thể tách bạch riêng rẽ mà là một dây chuyền hợp nhất. Ở vị trí chủ nhiệm đề tài, tôi có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, sát sao ở mọi khâu sản xuất. Có lúc, mình như trọng tài đứng ra xem xét, phân xử vì sao tiến trình thực hiện lại bị tắc, sai sót ở khâu nào. Tất nhiên, người làm ở khâu nào luôn có cái lý của họ, và mình phải biết cách thuyết phục để họ làm lại đến khi hoàn hảo. Đã là nghiên cứu khoa học thì gặp thất bại là chuyện bình thường. Có dự án ban đầu làm không được, đành xếp lại chờ cơ hội khác. Như hồi nghiên cứu sản xuất viên sủi, thất bại nhiều lần nên dừng. Sau này, anh em kinh nghiệm vững vàng hơn, được đầu tư trang thiết bị phù hợp, lại làm tiếp và đã thành công. Công ty luôn sẵn sàng đầu tư, khuyến khích cán bộ theo đuổi, thực hiện đến cùng. Điều đó, với người làm nghiên cứu khoa học, rất quan trọng.
Chị Quỳnh tâm sự: “Phụ nữ làm công tác kỹ thuật đã khó, nghiên cứu khoa học càng khó hơn bởi đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng sáng tạo và sự kiên trì nhẫn nại. Khi đã có gia đình, con cái, lại bị phân tâm nhiều hơn, nhất là khi con ốm, cần mẹ ở bên. Vậy nên, cũng có lúc tôi tính buông xuôi, bỏ bớt công việc để dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Nói vậy nhưng có nghỉ ngày nào đâu, rồi mọi thứ cũng đi vào ổn định”.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Bidiphar:
“Việc thực hiện thành công Ðề tài “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư” là tiền đề để Bidiphar mở rộng và phát triển dây chuyền sản xuất thuốc tiêm dùng điều trị ung thư. Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất và lưu hành trên toàn quốc cho 15 sản phẩm thuốc điều trị ung thư của Bidiphar. Thạc sĩ Quỳnh làm việc rất tốt, có trách nhiệm cao. Năm 2014, Bộ KH-CN giao tiếp về cho Bidiphar Dự án “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc điều trị ung thư” với kinh phí hỗ trợ gần 60 tỉ đồng”, thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh cũng được giao làm chủ nhiệm của một đề tài trong Dự án này”.
THU HÀ