Nâng cao nhận thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) tỉnh, 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 5 người; gây thiệt hại khoảng 53,2 tỉ đồng. So với cùng kỳ 2015, tăng 22 vụ, 2 người chết và thiệt hại về tài sản tăng 43,6 tỉ đồng. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về an toàn PCCC là một trong những yêu cầu bức thiết, góp phần phòng ngừa và hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy.
Đại tá Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, tặng bình chữa cháy cho Tổ PCCC dân phòng KV4, phường Đống Đa.
Với hơn 800 hộ, gần 2.900 nhân khẩu, KV4 phường Đống Đa, TP Quy Nhơn có 9 hẻm nhỏ dưới 3,5m, địa hình bàn cờ chật hẹp, điều kiện thoát hiểm không đảm bảo; nếu xảy ra sự cố cháy nổ, xe chữa cháy rất khó tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Truyện, Khu vực trưởng KV4, cho biết: “Cuối tháng 8.2016 sau khi Cảnh sát PC&CC tỉnh phối hợp với UBND phường Đống Đa ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” tại KV4, chúng tôi đã thành lập Ban điều hành gồm 5 người và tổ PCCC dân phòng với 19 người. Các thành viên này đến từng nhà để tuyên truyền về PC&CC và đã có hơn 300 hộ trong khu vực ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC”.
Để hiệu quả mô hình được phát huy tối đa, trong các buổi họp dân, Ban điều hành tập trung phổ biến các mối nguy về cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; đồng thời, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa cháy, nổ tại gia đình, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp. Ông Lý Văn Gàn, một hộ dân ở KV4, chia sẻ: “Được hướng dẫn, bây giờ, sau khi đun, nấu xong tôi đều khóa van bình gas. Nếu chẳng may có sự cố cháy nổ xảy ra thì phải thực hiện các thao tác như cúp cầu dao điện, ngăn các nguồn nhiệt, cảnh báo cho mọi người; đồng thời, thực hiện chữa cháy ban đầu và gọi 114”.
Sau 3 năm triển khai, mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” tại KV5, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, cũng phát huy hiệu quả, địa bàn không xảy ra vụ cháy lớn nào. Để thực hiện mô hình, địa phương đã thành lập tổ tuyên truyền PCCC, treo bảng tiêu lệnh PCCC, nội quy PCCC ở đầu và cuối hẻm của khu dân cư, để người dân dễ quan sát; đồng thời, trang bị bình chữa cháy đặt tại nơi công cộng. 100% hộ mua bán, kinh doanh vừa và nhỏ trong KV5 đều đã trang bị từ 2 -3 bình chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh, cho biết: “Ngoài các khu dân cư với trên 1.000 hộ dân ký cam kết an toàn PCCC, chúng tôi còn xây dựng 6 cụm công nghiệp an toàn về PCCC. Đơn cử như tại Cụm công nghiệp Nhơn Bình, 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây đã ký kết quy chế phối hợp về an toàn PCCC; theo đó, doanh nghiệp phải trang bị phương tiện và củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC, cứu nạn cứu hộ; xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm một lần”.
Để đảm bảo hiệu quả cho các mô hình đã xây dựng, Cảnh sát PC&CC tỉnh cũng đã mở 32 lớp tập huấn cho người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ cách sử dụng an toàn các nguồn nhiệt, nguồn lửa, các phương tiện, dụng cụ chữa cháy; tăng cường việc kiểm tra tại các hộ gia đình, hộ kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, đầu năm đến nay, qua kiểm tra tại hơn 1.000 lượt cơ sở, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã xử phạt 40 trường hợp vi phạm về PCCC với tổng số tiền trên 74 triệu đồng, kiến nghị khắc phục hàng ngàn tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC.
Đại tá Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, nhìn nhận: “Cháy nổ là sự cố có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, chỉ một chút chủ quan, lơ là cũng trở thành nguyên nhân để “bà hỏa” viếng thăm và để lại hậu quả khó lường. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn về PCCC của Cảnh sát PC&CC tỉnh, mỗi hộ gia đình, nơi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cũng cần trang bị thêm cho mình những kiến thức cũng như trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi sự cố xảy ra”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC