14 ngày thử thách với Bình Định…
Đặc biệt nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, nhất là trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định, 14 ngày tới đây là thử thách rất lớn với Bình Định. Yêu cầu toàn bộ vành đai chống dịch phải hết sức khẩn trương, chặt chẽ trong giám sát, kiểm soát. Đến sáng 31.5, toàn tỉnh đã thiết lập vành đai gồm 13 chốt chặn các cửa ngõ, ngăn dịch xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh.
Trước diễn biến dịch bệnh khẩn cấp, sáng 31.5, các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại BVĐK tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (cơ sở 1), TTYT TX An Nhơn, các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 liên ngành tại Cảng hàng không Phù Cát (huyện Phù Cát), tại tuyến QL 1D đoạn Quy Nhơn - Sông Cầu, tuyến QL 1A (phường Bùi Thị Xuân), TP Quy Nhơn, khu cách ly tập trung của TP Quy Nhơn đang được thiết lập tại ký túc xá Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) và TX Hoài Nhơn.
Không được chủ quan, mất cảnh giác
Là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm/nhiễm Covid-19 từ cơ sở y tế trong tỉnh chuyển đến, BVĐK tỉnh bố trí khu điều trị cách ly tại khoa Truyền nhiễm có 50 giường bệnh; trong đó, 20 giường điều trị bệnh nhân nặng. Bệnh viện cũng kiện toàn các tổ cấp cứu, phản ứng nhanh chi viện tuyến dưới; hỗ trợ nhân lực thành lập bệnh viện dã chiến. Tất cả nhân viên nêu cao tinh thần chống dịch cao nhất, không rời khỏi nơi cư trú, điện thoại di động mở 24/24 giờ.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (phía trước, bìa trái) kiểm tra phòng, chống dịch tại khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 ở khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh. Ảnh: THU HIỀN
Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Hoành Cường báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy: Bệnh viện đã vào tư thế luôn sẵn sàng, siết chặt phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Bệnh nhân điều trị nội trú giảm chỉ còn khoảng 800 bệnh nhân/ngày (53% so với giường thực kê). Bệnh viện đã đào tạo kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cho 80 nhân viên y tế trên tinh thần đáp ứng lấy mẫu diện rộng toàn tỉnh và tại bệnh viện. Tập huấn đào tạo 93 bác sĩ các khoa hệ Nội, Nhi, Truyền nhiễm về hồi sức cơ bản, hồi sức trong điều trị Covid-19; đào tạo điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19…
“Bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Tại An Nhơn, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn cho hay: TTYT TX An Nhơn đã sẵn sàng phương án, kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch, phương án hoạt động khi bệnh viện bị phong tỏa do dịch. Khoa Truyền nhiễm đã được kích hoạt thành khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19. 389 cán bộ, nhân viên đều đã được xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài các tổ, nhóm điều trị, Trung tâm đã thiết lập 6 tổ lấy mẫu xét nghiệm, 7 tổ chăm sóc Covid-19, tất cả đều được tập huấn sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Rất mong các y bác sĩ, nhân viên ngành Y tế cùng cố gắng!
“Chúng ta phải xác định, đây là thời điểm khó khăn của đất nước, của tỉnh, toàn ngành Y tế phải xác định rõ quyết tâm chống dịch cao nhất. Vì sự bình yên của nhân dân, các y bác sĩ phải sẵn sàng làm việc nhiều hơn sức lực của mình. Các cơ sở cũng phải thành lập nhiều tổ, đội sẵn sàng, cứ có ca bệnh thì chúng ta kích hoạt hành quân, đừng để dồn vào một lực lượng nào dẫn đến kiệt sức. Rất mong các y bác sĩ, nhân viên ngành Y tế cùng cố gắng!”.
Trong khi đó, phương án bệnh viện dã chiến cũng được thiết lập tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (cơ sở 1). Bác sĩ Lê Phước Nin, Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện có 100 giường bệnh cơ hữu, có khả năng mở rộng thêm 30 giường trong trường hợp cần thiết. Nhân lực của bệnh viện hiện có 142 người. Trường hợp quá tải Sở Y tế đã có nhiều phương án điều động người từ các cơ sở y tế khác bổ sung, linh hoạt ứng phó theo diễn biến dịch bệnh.
Tại tất cả những nơi đến kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đều nhắc nhở, quán triệt, đây là đợt dịch khó khăn nhất từ đầu năm 2020 đến nay. 14 ngày sắp tới đây là thử thách rất lớn trong cuộc phòng, chống dịch của tỉnh Bình Định. Quan điểm của tỉnh là bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết. Tất cả lực lượng đều phải sẵn sàng, đặc biệt y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, nhưng các cơ sở y tế không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tránh tình trạng “tập huấn rồi, khi vào thực tế lại rối bời, lúng túng”. Tất cả cơ sở y tế phải có phương án hết sức chi tiết, cụ thể. Ngay từ bây giờ rà soát lại, để có ca bệnh thì kích hoạt hoạt động được ngay. Cùng với phương án chống dịch, cũng phải có phương án đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện. “Tỉnh ta rất may là vẫn còn thời gian để rà soát chuẩn bị, rút được rất nhiều kinh nghiệm chống dịch từ những tỉnh, thành đã có ca bệnh Covid-19”, Bí thư Hồ Quốc Dũng nói.
Kiểm soát chặt từ vành đai chốt chặn
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TX Hoài Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã đến chốt kiểm soát y tế tại đèo Bình Đê, Công ty CP May Tam Quan, BVĐK khu vực Bồng Sơn, khu vực cách ly tập trung tại Trường CĐ Bình Định (cơ sở 2). Tại các nơi, đồng chí Lâm Hải Giang đã kiểm tra chi tiết việc khai báo y tế trên các ứng dụng (app), kiểm tra về nội dung các tờ khai y tế tại chốt kiểm dịch, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, cách thức phân luồng bệnh nhân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu cách ly tập trung tại Trường CĐ Bình Định (cơ sở 2). Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Đồng chí Lâm Hải Giang đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đơn vị và chính quyền thị xã, đồng thời lưu ý: Thị xã nên xem xét chọn mẫu tờ khai đầy đủ mà gọn gàng hơn, khuyến khích người dân khai báo y tế điện tử; nhắc nhở lãnh đạo DN quản lý tốt công nhân, nhất là những người đi từ vùng dịch về và thực hiện cách ly theo quy định, chuẩn bị tất cả các phương án, tình huống nếu có dịch phát sinh.
Tại chốt kiểm tra Cảng hàng không Phù Cát, ông Trà Minh Quốc, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Toàn bộ khách xuống sân bay đều được phân luồng và lấy thông tin, kiểm soát thông tin khai báo y tế. Toàn bộ thông tin được lưu trong vòng 1 tháng. Xác định vai trò quan trọng của đầu mối giao thông quan trọng này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được Cảng hàng không Phù Cát duy trì từ đầu vụ dịch đến nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (thứ ba, từ phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Cảng hàng không Phù Cát. Ảnh: THẢO KHUY
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Cảng hàng không Phù Cát, cho hay: Chúng tôi đã yêu cầu 5 hãng taxi, 1 hãng xe buýt có ký hợp đồng vận tải khách với cảng phải thực hiện khai báo y tế hành khách trên đường từ Quy Nhơn ra sân bay. Đối với khách đi, chúng ta có thể tạm yên tâm bởi sân bay Phù Cát có nhiều lớp kiểm tra, khó khăn nằm ở kiểm soát khách từ các nơi đến. Như vừa rồi ở chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet từ đầu sân bay ở Hà Nội, việc khai báo y tế cho hành khách không nghiêm túc lắm. Chúng tôi đề nghị tỉnh có văn bản nhắc nhở các hãng hàng không phải tuân thủ việc khai báo y tế, kiểm tra chặt chẽ việc khai báo y tế của hành khách từ sân bay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Trần Dũng, Trưởng đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Bình Định, cho rằng: “Vietnam Airlines luôn đặt vấn đề an toàn, sức khỏe của hành khách, phòng, chống dịch lên hàng đầu. Toàn bộ khách hàng phải khai báo y tế thì mới có xác nhận và mới được nhận thẻ lên máy bay. Ngoài ra, trước khi lên máy bay có kiểm tra thân nhiệt hành khách, trường hợp nào trên 370C, chúng tôi không chấp nhận vận chuyển”.
Hành khách thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm tra y tế trên QL 1D tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu. Ảnh: THẢO KHUY
Đến thăm và kiểm tra tại các chốt kiểm soát, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: Cảng hàng không Phù Cát là chốt quan trọng nhất, dẫu bây giờ lượt vận chuyển khách đã ít đi, song vẫn phải cực kỳ chú tâm. Cần tăng cường khâu giám sát, phải đối chiếu tờ khai y tế với chứng minh nhân dân hành khách. Đặc biệt, không được chủ quan, ỷ lại việc khai báo y tế ở cảng hàng không xuất phát. Đồng thời, ngay tại điểm xuất phát Phù Cát cũng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, vì “đầu đi mà làm không đảm bảo thì cũng khổ cho các địa phương khác”. Chủ tịch Nguyễn Phi Long cũng lưu ý các chốt kiểm soát phải rất cẩn thận kiểm soát toàn bộ khách ra, vào tỉnh, nhất là từ các địa phương có dịch về tỉnh.
Khẩn trương mua sắm máy móc, thiết bị phòng, chống dịch
Bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Đến thời điểm này, khoa Vi sinh đã được tỉnh trang bị 1 máy tách chiết tự động nhằm phục vụ kịp thời, nhanh chóng cho việc tách chiết mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với công suất lên đến 1.000 mẫu đơn/ngày. Tuy nhiên, với yêu cầu cao hơn trong tình hình mới hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, BVĐK tỉnh còn thiếu một số máy móc, thiết bị y tế chuyên dụng trong điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 và xét nghiệm. Bệnh viện đang làm hồ sơ thủ tục để mua 1 xe cứu thương chuyên dụng phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19; 1 dàn máy xét nghiệm Realtime PCR.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng xác nhận, riêng về nhu cầu mua sắm một số thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã có chủ trương cho BVĐK tỉnh chủ động thực hiện việc mua sắm. Vì vậy BVĐK tỉnh nên sớm đẩy nhanh việc mua sắm các trang thiết bị cần thiết.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu BVĐK tỉnh làm nhanh, làm khẩn trương, không để thiếu thốn bất cứ máy móc, trang thiết bị nào cần thiết cho phòng, chống dịch. Đặc biệt, ít nhất BVĐK tỉnh phải có 1 xe cứu thương đầy đủ trang thiết bị phục vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng.
THU HIỀN - THẢO KHUY - ÁNH NGUYỆT