Nhiều hạn chế cần khắc phục trong cải cách hành chính
Theo kết quả được Bộ Nội vụ công bố vào tháng 4.2023, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Bình Ðịnh năm 2022 đạt 85,03/100 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (giảm 1,67 điểm và 3 bậc so với năm 2021). Một số lĩnh vực cải cách hành chính giảm điểm rõ rệt.
4/8 lĩnh vực “thụt lùi”
Năm 2022, tỉnh Bình Định có 4/8 lĩnh vực Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) xếp vị trí thấp hơn năm 2021.
Lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành CCHC chỉ có 7,53/9,5 điểm (đạt 79,2%), thấp hơn giá trị trung bình của cả nước (91,6%); xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, giảm đến 22 bậc so với năm 2021. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với 3 tiêu chí, tiêu chí thành phần.
Ngày 19.4, phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) triển khai Kế hoạch chiến dịch 90 ngày hướng dẫn công dân mở và sử dụng tài khoản công trực tuyến. Ảnh: Thị đoàn Hoài Nhơn
Kết quả về Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh chỉ có 12,59/16,5 điểm, đạt 76,2%, thấp hơn giá trị chung cả nước (79%); xếp thứ 41, giảm 20 bậc so với năm 2021. Trong lĩnh vực này, có 5 tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt điểm tối đa.
Kết quả Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt 10,45/13,5 điểm, đạt 77,4%, cao hơn giá trị chung cả nước (76,6%), xếp thứ 29; giảm 15 bậc so với năm 2021. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với 7 tiêu chí, tiêu chí thành phần.
Kết quả về Cải cách thể chế đạt 9,13/10 điểm, đạt 91,3%, cao hơn giá trị trung bình cả nước (90,7%), xếp thứ 38; tuy tăng điểm nhưng lại giảm 1 bậc so với năm 2021. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với 2 tiêu chí, tiêu chí thành phần.
Bên cạnh đó, về kết quả điều tra xã hội học, khảo sát đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; cán bộ lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ được 16,89/22 điểm (đạt 76,7%), xếp vị trí 50/63 tỉnh, thành phố và 12/14 các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Đặc biệt, kết quả đánh giá của nhóm khảo sát lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Bình Định chỉ đạt 14,21/20 điểm, xếp vị trí 63/63 tỉnh, thành.
Cần nỗ lực nhiều hơn từ các địa phương, đơn vị
3 ngày sau khi nhận Công văn số 706/SNV-CCHCVTLT ngày 24.4 của Sở Nội vụ về việc thông tin kết quả Chỉ số CCHC năm 2022, UBND huyện An Lão có công văn gửi các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn, nêu rõ ý kiến chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch UBND huyện trong khắc phục các tồn tại, hạn chế.
“Chúng tôi sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo các nhiệm vụ CCHC do UBND huyện giao. Đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm”, ông Lê Đức Thành, Trưởng Phòng Nội vụ huyện An Lão, cho biết.
2 năm qua, UBND TX Hoài Nhơn đều đứng đầu xếp hạng Chỉ số CCHC trong khối UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tuy nhiên, UBND thị xã đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong CCHC, cần triển khai các giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Theo Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn, địa phương đang tăng cường tuyên truyền CCHC, kịp thời phát hiện, nhân rộng những điển hình, sáng kiến trong CCHC. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể, nhân dân đối với công tác CCHC.
UBND thị xã tiếp tục lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính (TTHC) gắn trực tiếp với người dân, DN để rút ngắn thời gian giải quyết một cách hiệu quả, thực chất. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định.
“Chúng tôi sẽ mở rộng các kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, DN để xác minh, làm rõ và kịp thời xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hạch sách, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC”, ông Tuấn cho biết.
Để khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ quyết liệt triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong ĐVTN và người dân. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số; thành lập và phát triển các CLB, tổ, đội, nhóm về công nghệ số, chuyển đổi số trong ĐVTN, học sinh, sinh viên.
HOÀI THU