Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ thủ tục hành chính
(BĐ) - Chiều 11.10, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giải đáp khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành vào 10 địa phương trong 9 tháng đầu năm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp.
Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.M
Theo Văn phòng Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác đánh giá tác động TTHC, thẩm định quy định TTHC đã được các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định. Các địa phương đã tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, tuy nhiên cả 10 địa phương đều chưa công bố đầy đủ TTHC nội bộ sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5990/VPCP-KSTT ngày 22.8.2024 để tham khảo triển khai
Các địa phương đã ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Trong đó, tỷ lệ công bố đúng hạn của các địa phương cao nhất: Cà Mau đạt 71,1%, Bình Định đạt 58,85. Tỷ lệ công khai TTHC đúng hạn của các địa phương cao nhất là: Bình Định đạt 75,03%, Cà Mau đạt 72,03%.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Bình Định, Hải Dương, Hà Giang, Cà Mau đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ (80%), đạt lần lượt là: 89,51%, 88,32%, 85,86%, 84,70%. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ cho giải quyết TTHC của Cà Mau, Quảng Bình, Bình Định lần lượt là 69,70%, 38,18%, 37,48%. Tỷ lệ này tại một số địa phương khác còn rất thấp, như Nghệ An (0,08%), Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... đều là 0%.
Kết quả xếp hạng chỉ số phục vụ người dân, DN của các địa phương theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đang dẫn đầu với 88,32 điểm; Bình Định về nhì với 87,5 điểm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã có một số kiến nghị. Về rà soát, đơn giản hóa TTHC, Bình Định đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất ủy quyền cho các địa phương thực hiện thí điểm cắt giảm một số thành phần hồ sơ TTHC không cần thiết, sau đó có tổng kết, rút kinh nghiệm, thay vì chỉ đề xuất lên các bộ, ngành như hiện tại. Về việc kết nối các cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành hiện còn nhiều khó khăn, cần có sự chỉ đạo chung nhằm đạt được thuận lợi cao nhất. Về thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia mà Bộ Y tế vừa triển khai, thực tế còn vướng mắc, đề nghị tiếp tục rà soát lại, khi đầy đủ các điều kiện thì triển khai. Về triển khai đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện vẫn chưa có đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, tỉnh rất mong Bộ TT&TT sớm ban hành đơn giá, định mức để địa phương có cơ sở để triển khai thực hiện.
NGUYỄN MUỘI