Nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng, người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
(BĐ) - Đó là yêu cầu đặt ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG) trên địa bàn tỉnh, được UBND tỉnh tổ chức ngày 6.6.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Kim Loan
Theo Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Văn Thanh, thực hiện Chương trình MTQG, kế hoạch nguồn vốn thực hiện giai đoạn năm 2021 - 2025 là hơn 813 tỷ đồng; qua đó, đã giải ngân được trên 691,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,8% so với kế hoạch phân bổ và 85% so với kế hoạch thực hiện.
Từ nguồn lực Chương trình, tỉnh và các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như: Đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, cơ sở y tế, trường học, nhà ở, thiết chế văn hóa..., nhất là tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm được triển khai đồng bộ, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động địa phương. Các dự án đầu tư phát triển sản xuất và sinh kế cũng đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân vùng DTTS.
Quang cảnh tại Hội nghị. Ảnh: C.H
Trong khi đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm đúng mức. Việc lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG đã giúp các địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong giảm nghèo, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, GD&ĐT, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Thực hiện bình đẳng giới (Dự án 8), các địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi định kiến giới và xây dựng, nhân rộng các mô hình, góp phần nâng cao quyền năng, vị thế cho phụ nữ…
Kết quả, Chương trình MTQG có sự tác động tích cực, toàn diện đến phát triển KT-XH của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, miền núi. Chương trình đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% - 4%; 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã và số trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, có bác sĩ, trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh…
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực trong việc thực hiện các Tiểu dự án, Dự án đối với lãnh đạo tỉnh, các địa phương trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG trong giai đoạn mới, gồm: Kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án 1 và Dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường nội trú, bán trú và xóa mù chữ cho vùng đồng bào DTTS; kinh nghiệm trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; kinh nghiệm trong thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể. Ảnh: Kim Loan
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG trong giai đoạn mới, Sở Dân tộc và Tôn giáo phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện cần rà soát đánh giá các nhiệm vụ của Chương trình do cấp huyện quản lý, thực hiện theo thẩm quyền hoặc được tỉnh phân cấp; từ đó, tiếp tục giao hoặc phân cấp cho các cơ quan đơn vị chuyên môn, hành chính cấp dưới quản lý, triển khai thực hiện theo đúng quy định khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nguồn: BTV
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp, đảm bảo giải ngân 100% vốn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Chương trình đến hết 31.12.2025. Nghiên cứu, đề xuất Chương trình MTQG giai đoạn 2026 - 2030 trên cơ sở pháp lý và đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng đảm bảo phù hợp với địa bàn, nhu cầu, đối tượng, nhất là phải gắn trách nhiệm của cán bộ, người dân trong triển khai thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cũng như phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng, người dân trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG…
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 19 cá nhân, 10 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG.
CHƯƠNG HIẾU