Chất vấn các bộ trưởng về 6 lĩnh vực
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra trong sáng nay 22.8.
Theo đó, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục trả lời nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Phó Thủ tướng Chính phủ (được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền) sẽ có 30 phút phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trong ngày 21.8, các đại biểu Quốc hội đã kết thúc chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành về nhóm lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời tiến hành chất vấn về nhóm lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề đối với các Bộ trưởng: Nguyễn Hồng Diên – Bộ Công thương; Lê Minh Hoan – Bộ NN&PTNT; Nguyễn Văn Hùng – Bộ VH-TT-DL; Hồ Đức Phớc – Bộ Tài chính; Phạm Thị Thanh Trà – Bộ Nội vụ; Lương Tam Quang – Bộ Công an.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn về các nội dung liên quan.
Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các phiên họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.
Mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 01 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.
(Theo PV/VOV.VN)