Quy định rõ trách nhiệm của chủ thể trong hoạt động quảng cáo
Chiều 25.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tham gia thảo luận, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo và cho rằng bên cạnh sự phát triển của các phương tiện quảng cáo, nội dung quảng cáo ngày càng phong phú, đa dạng thì hình thức quảng cáo lại đang có những tác động lớn đến xã hội. Để góp phần hoàn thiện Luật, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã có những ý kiến góp ý tâm huyết tại hội trường.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh: Chú ý vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng vấn đề sử dụng Tiếng Việt trong quảng cáo là vấn đề cần được quan tâm. Bởi trong quá trình toàn cầu hóa nói chung, quá trình “toàn cầu hóa ngôn ngữ” cũng đang chuyển động như là một xu thế chung. Ngoại ngữ giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp những tri thức của nhân loại, đẩy nhanh quá trình hội nhập, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kinh tế, giáo dục... Bên cạnh những ưu điểm của việc khuyến khích học ngoại ngữ, chúng ta cũng cần chú ý đến tình trạng hiện nay, không chỉ các ngoại ngữ đang cạnh tranh với nhau mà chính Tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia, cũng đang bắt đầu cạnh tranh với các ngoại ngữ trong giao tiếp của nhiều người Việt trẻ.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị chú ý vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Cảnh, trong Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc sử dụng Tiếng Việt tại khoản 2, Điều 18: “Trong trường hợp sử dụng cả Tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ Tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ Tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc Tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.
Tuy vậy, ĐB Cảnh cũng chỉ ra thực tế, tại những nơi có khách nước ngoài lưu trú, một số nơi có thực đơn viết Tiếng Việt cỡ nhỏ hơn tiếng nước ngoài; một số nơi để Tiếng Việt sau/dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết Tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài….
Để quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng Tiếng Việt trong hoạt động quảng cáo, khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, ĐB Cảnh đề nghị bổ sung thêm từ “khách hàng”, sau từ “công chúng” trong khoản 1, Điều 2 và được viết lại như sau: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng, khách hàng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi...”. Tương tự cũng bổ sung thêm từ “khách hàng” sau từ “công chúng” tại khoản 7 và khoản 8, Điều 2. “Tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính, mà còn là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa của bao thế hệ, gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Vì vậy, những trường hợp không sử dụng Tiếng Việt như trên cần phải được điều chỉnh trong Luật”, ĐB Cảnh đề nghị.
Với việc bổ sung từ “khách hàng” sau từ “công chúng” trong Luật, ĐB Cảnh cũng cho rằng Thực đơn sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quảng cáo vì Thực đơn cũng là nhằm giới thiệu đến khách hàng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và Tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ bắt buộc phải có trên thực đơn toàn quốc. Khi Thực đơn có sử dụng thêm tiếng nước ngoài thì Tiếng Việt sẽ được trình bày ưu tiên như tại khoản 2, Điều 18 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy: Có chính sách, giải pháp để cơ quan báo chí, truyền hình thu hút khách hàng quảng cáo
Về nội dung “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” (quảng cáo có sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, người có ảnh hưởng), ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng Điều 15a của dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo “chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu” là cần thiết để duy trì môi trường quảng cáo lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi kết quả điều tra thực tế cho thấy, có đến 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được người có ảnh hưởng (KOL), người tiêu dùng chủ chốt (KOC) đề xuất...
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị có chính sách, giải pháp để cơ quan báo chí, truyền hình thu hút khách hàng quảng cáo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tuy nhiên, ĐB Thủy kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung các điều khoản làm rõ trách nhiệm của chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Vì theo ĐB Thủy, khi quảng cáo, DN sản xuất kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng, không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp. “Bên cạnh quy trách nhiệm pháp lý cho các cá nhân này, phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo. Các nhãn hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho người có sức ảnh hưởng. Cá nhân người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm đảm bảo sự phù hợp, chuyển tải đúng với các nội dung được DN cung cấp”, ĐB Thủy phân tích.
Về Điều 19a yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như sữa, thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 24 tháng), ĐB Thủy đề nghị cần bổ sung quy định về quảng cáo các sản phẩm đặc biệt dành cho trẻ em, đặc biệt là các sản phẩm thay thế sữa mẹ ngay từ khi chào đời, vì đây là những sản phẩm rất khó kiểm soát.
Về quảng cáo trên báo in, báo hình (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21), Khoản 1 Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo. Dự thảo Luật tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo.
ĐB Thủy thống nhất với ban soạn thảo các chính sách nhằm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung; trong đó có nội dung điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo trong điều kiện hiện nay các hệ thống báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo in... giảm thu từ quảng cáo của các nhãn hàng, tạo nên áp lực rất lớn đối với hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo cần rà soát các Luật liên quan trong quản lý, xử lý để có các giải pháp cụ thể nhằm quản lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc. Đồng thời, có các chính sách, giải pháp đảm bảo hoạt động báo chí, truyền hình thực hiện chính nhiệm vụ chính trị, là kênh chính thống, uy tín để thu hút khách hàng là độc giả, DN chủ động tìm đến thực hiện quảng cáo bên cạnh giải pháp “tăng tỷ lệ quảng cáo trên báo giấy” khi hiện tại các đơn vị chưa khai thác hết dung lượng quảng cáo đã đề ra.
Tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật
Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của ĐBQH đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý…
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…
Đối với các góp ý của ĐBQH liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện.
Liên quan đến quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tính toán lại và tham mưu Chính phủ hướng dẫn.
Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ TT&TT và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị ĐBQH hoàn chỉnh dự thảo Luật để báo cáo tại kỳ họp tới.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG