Ðấu tranh với những xuyên tạc về lịch sử trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để tán phát các tin, bài, video clip có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng với sự gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng… bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với những thủ đoạn đó là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.
Xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử
Thời gian qua, một số đài như: VOA, RFA, BBC, RFI cũng như trang mạng xã hội Youtube, X (trước đây là Twitter), Facebook của các tổ chức “Việt Tân”, “Nhân dân hành động”, “Triều đại Việt”, “Tiếng dân”… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận nhằm xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Các trang nói trên thường đăng lại những thông tin, sự kiện cũ, nhưng suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích người nghe, người xem; trong đó, tập trung nhiều nhất vào một số sự kiện: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về cải cách ruộng đất, Hiệp định Geneve (1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, phủ nhận thành quả trong công cuộc đổi mới của Đảng…
Lịch sử chỉ có một, sự thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó.
- Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tìm hiểu về lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các trang mạng cũng thường sử dụng thông tin về các sự kiện có thật, nhưng được biên tập, chỉnh sửa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi tung ra như một dạng thông tin chính thống. Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện khá tinh vi, bài bản mà khi tiếp cận không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có học vấn cao, nhận thức sâu rộng cũng có thể bị mắc lừa.
Ví dụ, những kẻ cơ hội chính trị lấp liếm đánh tráo cho rằng “thành quả cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”. Chúng gọi ngày 30.4.1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc là “Ngày quốc hận”, “Ngày mất nước” và tháng Tư lịch sử với Chiến dịch Hồ Chí Minh tiêu diệt hoàn toàn chế độ ngụy quân, ngụy quyền tay sai do đế quốc Mỹ dựng lên là “Tháng Tư đen”, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “miền Bắc xâm lược miền Nam”. Cũng tương tự, chúng lu loa rằng, khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (năm 1974), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không lên án Trung Quốc và là nguyên nhân để mất đảo...
Trò hề của những kẻ cơ hội chính trị
Điểm đáng lưu ý là gần đây, do thấy việc vu khống trắng trợn, “đổi trắng thay đen” không mang lại kết quả như mong muốn, những kẻ phản động, cơ hội chính trị trong tuyên truyền chống phá lịch sử Việt Nam trên mạng xã hội đã có một số thay đổi về phương thức, chiêu bài, đó là núp dưới “mũ” quan điểm khác, góc nhìn khác. Chúng thông qua cái gọi là “xét lại lịch sử”, “lật lại lịch sử”, lợi dụng một số vấn đề lịch sử phức tạp để tung ra những tư liệu mà chúng cho là mới, nhưng thực ra thiếu những chứng cứ khoa học. Những phân tích, bình luận chúng đưa ra thường mang nặng tính suy diễn chủ quan, phiến diện, mập mờ. Và chính sự mập mờ đó đã gây nhiễu thông tin, làm cho người đọc cảm thấy hoang mang. Đặc biệt, là nguồn tư liệu chưa được xác minh, thẩm định một cách kỹ lưỡng và rõ ràng.
Chúng cũng lợi dụng chủ trương điều chỉnh việc dạy và học lịch sử ở các cấp học phổ thông, sự chưa thấu hiểu, suy diễn theo lối chụp mũ của một bộ phận để nói xấu, làm giảm uy tín của Bộ GD&ĐT và ngành giáo dục, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; và ngày nay đang thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH.
Xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, thực chất là trò hề lặp lại của những kẻ cơ hội chính trị, với hy vọng hão huyền rằng: Nói nhiều sẽ quen tai, rồi chuyển sai thành đúng. Nhưng, lịch sử chỉ có một, sự thật cũng chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó.
Do vậy, để phát huy tốt nhất hiệu quả đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, toàn thể người dân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần, giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi, hãy lên tiếng phản bác, chống lại các luận điệu phản động, độc ác, xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.
VĂN BÁ CƯỜNG