Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Nền tảng cho sự phát triển ổn định, tự chủ
Yêu cầu về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có ý nghĩa sống còn cho Việt Nam khi chuyển sang thế giới số. An ninh mạng chỉ là một thành phần chính trong vấn đề chủ quyền này. Dựa trên thực trạng, hệ thống lý luận đề xuất các dự báo, yêu cầu và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đối với nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan đoàn thể và mỗi cá nhân.
Khi thành phần kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ số và mức độ an toàn, sự ổn định trong vận hành của chúng. Vấn đề này liên quan an ninh mạng, an toàn thông tin. Cao hơn nữa, đó là năng lực bảo đảm sự ổn định của cả hệ thống kinh tế số, xã hội số của quốc gia trên không gian mạng.
Phiên thảo luận tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và chuyển dịch năng lượng Việt Nam”. (Ảnh NHI ĐỖ)
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là khái niệm hoàn toàn mới, có tính nền tảng và tính chiến lược cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới. Một cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan tới khái niệm này phải được xây dựng một cách bài bản.
Đầu tiên, nhận thức về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng như việc bảo vệ nó cần được làm rõ. Khái niệm chủ quyền trong thế giới số khác với khái niệm truyền thống trong phạm vi thế giới vật lý. Thí dụ: chủ quyền về lãnh thổ số khó xác định hơn so với chủ quyền đất liền, biển đảo.
Ngoài ra, chủ quyền chỉ gắn với quốc gia nên khái niệm này thường được đặt trong bối cảnh quan hệ giữa các quốc gia, có ý nghĩa pháp lý rất cao, được tôn trọng bởi cộng đồng quốc tế và do đó phải dựa theo luật pháp quốc tế. Do đó, chủ quyền có nội hàm quan hệ đối ngoại nhiều hơn đối nội. Một số cơ sở pháp lý quốc tế thường dùng cho tham chiếu vấn đề chủ quyền nói chung, chủ quyền trên không gian mạng nói riêng, có thể được kể đến như: Hiến chương Liên hợp quốc, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực La Haye về giải quyết tranh chấp biển đảo, Hòa ước Westphalia…
Ở trong nước, một số cơ sở chính trị trong nước gắn với chủ quyền quốc gia trên thế giới số gồm: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25.7.2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25.7.2018 của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý liên quan gồm: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật An ninh mạng…
Tiếp theo là việc xác định các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, cùng cách thức xác định nguồn gốc và mức độ ảnh hưởng của những hành vi này, biện pháp ứng phó, xử lý chúng. Thế nào là hành vi xâm phạm chủ quyền trên không gian mạng, nó khác gì xâm phạm chủ quyền theo ý nghĩa truyền thống. Hệ thống lý luận này được xây dựng, cấu trúc cho phù hợp hoàn cảnh Việt Nam.
Nhiều hành vi xâm phạm, tấn công hạ tầng số của một quốc gia được xuất phát từ hệ thống máy tính ma (botnet) liên quan một vài quốc gia khác nhưng các quốc gia này là nạn nhân. Họ hoàn toàn không nhận thức được các máy tính của họ bị cài mã độc bởi các nhóm tin tặc hacker từ những quốc gia phát triển.
Các cuộc tấn công mạng bắt đầu từ trung tâm chỉ huy (Command and Control - C&C) tại các quốc gia phát triển này, các chỉ lệnh được gửi đi tới các máy tính bị nhiễm độc ở trên. Sau khi nhận lệnh từ trung tâm chỉ huy, virus trong các máy tính ma được kích hoạt và hàng loạt truy vấn từ các máy tính này hướng về hạ tầng số của quốc gia mục tiêu. Khi số lượng hàng chục nghìn máy tính tham gia tấn công đồng thời, hệ thống hạ tầng của quốc gia mục tiêu quá tải và bị đình trệ.
Rõ ràng, quốc gia khởi động cuộc tấn công đứng giấu mặt đằng sau các quốc gia thứ ba nạn nhân ở trên. Hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia sẽ được phân biệt giữa các quốc gia chủ động và nạn nhân như thế nào, cách ứng xử của chúng ta có phân biệt gì giữa chúng.
Do vậy, cần có một bản đánh giá chi tiết về thực trạng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Bản đánh giá này là kết quả phối hợp giữa nhiều cơ quan, bộ, ngành trong nước, các tổ chức quốc tế. Dựa trên thực trạng, hệ thống lý luận đề xuất các dự báo, yêu cầu và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đối với nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan đoàn thể và mỗi cá nhân.
Với góc độ cơ sở khoa học có tính lý luận và các minh chứng từ thực tiễn, chủ quyền không gian mạng là một phạm trù rộng lớn, khung pháp lý quốc tế và trong nước, bảo đảm cho sự vận hành ổn định và an toàn của toàn bộ hệ thống chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thế giới số - không gian phát triển mới và dự báo đầy tiềm năng cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay, trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội đảng các cấp, nhất là Văn kiện Ðại hội XIV của Ðảng thời gian tới, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số - cuộc cách mạng tạo ra bước đột phá mới, động lực mới cho sự phát triển của đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(Theo NDO)