Nghiêm cấm vợ chồng, anh, chị, em ruột đấu giá cùng một tài sản
Đó là một trong nhiều điểm mới đáng chú ý của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, được Quốc hội thông qua ngày 27.6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.
Nhiều hành vi bị nghiêm cấm
Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi: “Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS); thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả ĐGTS”.
Theo bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, điểm mới đáng chú ý nhất của Luật là bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 5 Điều 9.
Cụ thể nghiêm cấm: “Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia ĐGTS đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản; tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó; tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các DN mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của DN theo quy định của pháp luật về DN cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó”.
Điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan cũng được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: “Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm”. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người vi phạm trường hợp trên.
Một số quy định tại Điều 39 cũng được sửa đổi, theo đó tiền đặt trước đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì mức tối thiểu là 10% (trước đây là 5%) và mức tối đa vẫn giữ nguyên 20% giá khởi điểm.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định phải thông báo công khai việc ĐGTS 2 lần trên Cổng ĐGTS quốc gia, ít nhất 1 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá, giảm 1 lần thông báo trên báo in hoặc báo hình so với quy định hiện hành…
Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá đất ở thuộc khu tái định cư thôn Vinh Quang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) ngày 3.8. Ảnh: N.C
Giúp hạn chế tiêu cực, tham nhũng
Với những sửa đổi, bổ sung như trên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS khi áp dụng được kỳ vọng khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua trong hoạt động ĐGTS. Trong đó, các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường như dùng các chiêu trò để dìm giá và nâng giá tài sản sẽ bị ngăn chặn. Từ đó, giảm thiểu tình trạng “đè giá” hoặc nâng giá lên cao bất thường, trúng đấu giá rồi bỏ cọc, cũng như các chiêu trò nhằm trục lợi trong ĐGTS.
Ông Lê Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Đông Dương, cho rằng Luật sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “dìm giá”, “thổi giá”, nhất là trong hoạt động ĐGTS là quyền sử dụng đất có giá trị lớn. Luật cũng nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá “Sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác”, cùng loạt quy định được bổ sung. Như vậy, càng tăng cường trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức ĐGTS.
Cũng theo ông Hùng, Luật ra đời là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động ĐGTS phát triển ổn định và bền vững; giúp hoạt động của các DN ĐGTS ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, chất lượng. Luật cũng là cơ sở pháp lý để hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
NGUYỄN CHƠN