Ngăn chặn sách giáo khoa giả đầu năm học mới
Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2024-2025 chính thức khai giảng trên cả nước. Trong thời điểm này, nhu cầu mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập của các bậc phụ huynh và học sinh vì thế cũng tăng cao. Đây chính là thời điểm thuận lợi để các đối tượng chớp thời cơ đưa sách giáo khoa giả, sách in lậu ra thị trường để tiêu thụ. Điều này khiến cho các bậc cha mẹ học sinh lo lắng vì nó gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học của ngành giáo dục.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ kiểm tra mặt hàng sách giáo khoa tại các nhà sách trên địa bàn. (Ảnh: LƯU QUYÊN)
Có con chuẩn bị vào lớp 2, chị Cao Thanh Tâm, trú tại phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tất bật chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập cho con. Theo chia sẻ của chị Tâm, năm học trước, do công việc khá bận rộn, chị đã đặt mua sách giáo khoa cho con trên mạng xã hội TikTok, vì chủ quan tin tưởng vào nội dung quảng cáo, cũng như cam kết “bán hàng chính hãng” của shop, kèm theo mức chiết khấu khá hời cho bộ sách giáo khoa 20 cuốn so với mua trực tiếp tại nhà sách.
Khi nhận hàng, chị biết ngay mình mua phải sách giả vì chỉ theo quan sát bên ngoài, các trang sách không đều nhau, chất lượng giấy kém, lỗi phông chữ, hình ảnh và chữ in nhòe mờ. So sánh nội dung trong sách, chị phát hiện một số bài bị sai lệch về thông tin, thiếu hụt nội dung, sai mầu bìa dù có đầy đủ tem chống giả, mã vạch kèm lô-gô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chị tìm cách liên lạc với người bán để phản ánh về sản phẩm và yêu cầu hoàn tiền thì chỉ nhận được sự im lặng, cuối cùng chị đành bỏ cả bộ sách và tìm mua bộ khác tại một nhà sách uy tín để bảo đảm chất lượng kiến thức cho con.
Càng gần đến ngày tựu trường, tình trạng in ấn, kinh doanh các loại sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng, nhất là sách giáo khoa càng có xu hướng tăng lên. Vài tháng gần đây, hàng triệu cuốn sách giáo khoa in lậu, làm giả đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước kiểm tra, thu giữ và xử lý.
Điển hình, cuối tháng 7, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tiến hành thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tổng trị giá tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là gần 1,4 tỷ đồng. Trước đó, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai và Quảng Bình cũng phối hợp, thu giữ hơn 76.000 cuốn sách giáo khoa giả các loại, tổng trị giá hàng vi phạm hơn 1,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ quan quản lý thị trường cho biết, có những vụ đặc biệt lớn với số lượng sách giả thu giữ lên tới 3 triệu cuốn, gồm sách giáo khoa, sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 12, đường dây hoạt động trải dài ở nhiều địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh,... mức lợi nhuận các đối tượng thu được ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Với thủ đoạn tinh vi, để trông giống như thật, số sách giả trong những vụ việc nêu trên đều được dán mã vạch và tem chống hàng giả giống y hệt sách thật. Các đối tượng còn liên kết với nhau theo đường dây khép kín, mỗi doanh nghiệp phụ trách một khâu, từ in ấn đến gia công, đóng gói, tiêu thụ cho nên việc phát hiện, xác minh và xử lý các đối tượng này rất khó khăn.
PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ, sách giáo khoa giả đang được sản xuất với thủ đoạn in ấn tinh vi, hoạt động mua bán ngày càng biến hóa muôn hình vạn trạng, thậm chí số lượng sách giả, sách lậu trên thị trường còn lớn gấp hơn hàng chục lần số lượng sách của đơn vị này phát hành ra.
Điều đáng nói ở đây là khi sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ trong quá trình học tập. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, nhưng do được chào bán với mức chiết khấu cao, giá rẻ hơn rất nhiều so với sách thật cho nên sách giả vẫn tạo sức hấp dẫn với các bậc phụ huynh, nhất là các phụ huynh ở vùng nông thôn và miền núi. Khi ấy, thiệt hại luôn thuộc về phụ huynh và học sinh, chưa kể sách giả còn làm hỗn loạn thị trường, ảnh hưởng về kinh tế đối với nhà xuất bản, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Thực tế, nhiều người mua không dễ dàng nhận biết được sách thật-giả, vì công nghệ in ấn rất tinh vi, mức độ giống sách thật lên tới 95%, ngay cả với một số nhà sách, cơ quan quản lý, nếu chỉ nhìn cảm quan bằng mắt thường cũng khó có thể phân biệt sự khác nhau. Việc truy vết các đối tượng bán sách giả cũng gặp khó khăn do các tài khoản mạng xã hội ẩn danh hoặc thiếu thông tin. Trước thực trạng này, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để ngăn chặn sự lưu hành của sách giả. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tác giả của sách giáo khoa.
Phó Cục trưởng Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Đức Lê cho biết, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả luôn có sự phân công vai trò rất bài bản. Các đối tượng thuê cơ sở để làm xưởng in đều có quy mô diện tích lớn, hệ thống máy móc in ấn hiện đại, phục vụ sản xuất sách giáo khoa giả với số lượng lớn. Vì vậy, trước mỗi đầu năm học mới, Tổng cục Quản lý thị trường đều thường xuyên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương liên tục kiểm tra đột xuất, truy quét ổ, nhóm sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách lậu, đồ dùng học tập kém chất lượng, có biện pháp xử lý nghiêm, qua đó góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Để xử lý triệt để tình trạng sách giáo khoa giả, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra của các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt với hành vi in lậu, tiêu thụ sách giả, có hướng xử lý hình sự với những vụ việc phức tạp, quy mô lớn thay vì chỉ xử lý hành chính chung chung. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, còn cần sự chung tay của các phụ huynh và học sinh trong việc cảnh giác, tránh mua sách từ những nguồn không rõ ràng để bảo đảm chất lượng học tập.
Theo VIỆT THANH (NDO)