Hỏi đáp pháp luật
Hỏi: Cá nhân, tổ chức lợi dụng việc kêu gọi ủng hộ từ thiện để trục lợi thì bị xử lý như thế nào?
(Ông T.Q.T., phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn)
Đáp: Theo luật sư Nguyễn Thế Vũ (Đoàn luật sư tỉnh), Nghị định số 93/2021/NĐ-CP nghiêm cấm các hành vi lợi dụng các hoạt động từ thiện để trục lợi.
Cá nhân, tổ chức vi phạm tùy mức độ hành vi sẽ bị áp dụng hình thức xử lý khác nhau. Cụ thể, trường hợp lợi dụng kêu gọi từ thiện, cứu trợ để chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, ngoài ra có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bị trục xuất nếu là người nước ngoài. Nếu là tổ chức vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền cá nhân.
Hành vi sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, đối tượng cũng có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP, với mức xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng, buộc bồi hoàn số tiền thất thoát.
Trường hợp cá nhân, tổ chức ngay từ đầu đã dùng thủ đoạn gian dối, chủ động lên kế hoạch kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Trường hợp nếu ban đầu cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp tiền từ thiện không có mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng khi có được tiền quyên góp thì dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Người phạm tội trong hai trường hợp trên còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
ĐỨC MINH (Thực hiện)