Hỏi đáp pháp luật
Hỏi: Sau khi ly hôn, vợ tôi đang trực tiếp chăm con 24 tháng tuổi và có hành vi ngăn cản tôi thăm con. Pháp luật quy định như thế nào về quyền thăm con và hành vi cản trở quyền thăm con sau khi ly hôn?
(Ông N.V.T., xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn)
Đáp: Theo luật sư Nguyễn Thế Vũ (Đoàn Luật sư tỉnh), trong trường hợp này người vợ được xem là người trực tiếp nuôi con, còn người chồng được xem là người không trực tiếp nuôi con.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Căn cứ theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp sau khi ly hôn mà người vợ ngăn cản người chồng đến thăm nom con là hành vi trái quy định pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án.
ĐỨC MINH (Thực hiện)