Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng đang trốn tại nước ngoài về nước
Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền quốc tế, 16 đối tượng đã được dẫn độ về Việt Nam.
Bộ Công an vừa báo cáo về kết quả thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ, giai đoạn từ 2008 đến 2024, gửi tới Bộ Tư pháp.
Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật TTTP về dẫn độ, Bộ Công an với chức năng là Cơ quan Trung ương về công tác dẫn độ đã thực hiện tốt các quy định của Luật TTTP, bảo đảm các yêu cầu về đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với các quốc gia đối tác; đồng thời, bộ máy thực hiện dẫn độ đã được xây dựng và kiện toàn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Công an, tính đến tháng 10.2024, Công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Qua đó, Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền quốc tế, bao gồm 70 yêu cầu theo các hiệp định song phương và 28 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại.
Đến nay, 16 đối tượng đã được dẫn độ về Việt Nam; phía nước ngoài đã từ chối dẫn độ 18 đối tượng và 2 yêu cầu đã kết thúc vì đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã qua đời hoặc bị bắt khi trở về Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực đôn đốc các quốc gia đối tác giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.
Cơ quan điều tra truy nã bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công an đã thực hiện dẫn độ 21 đối tượng cho phía nước ngoài; từ chối 7 yêu cầu dẫn độ với các lý do như: các đối tượng đã bỏ trốn hoặc không có mặt tại Việt Nam khi yêu cầu được gửi đến; đã được dẫn độ cho quốc gia khác hoặc đã đề nghị phía nước ngoài bổ sung thông tin nhưng không nhận được phản hồi...
Về đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, tính đến tháng 10 năm 2024, Việt Nam đã là thành viên của 22 điều ước quốc tế và ký kết 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ, cùng với 18 hiệp định song phương về dẫn độ.
Bộ Công an đánh giá, việc triển khai các điều ước quốc tế về dẫn độ đã đạt được hiệu quả cao, với tỷ lệ giải quyết thành công lớn trong tổng số yêu cầu đã tiếp nhận và gửi đi. Việc ký kết và áp dụng các hiệp định song phương về dẫn độ được coi là một yếu tố quan trọng để củng cố cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bộ Công an cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước về dẫn độ, để phù hợp với các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về dẫn độ.
Theo Minh Đức (TPO)