Bộ trưởng Bộ Công an: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 20,55%
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết điều này khi thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, tại Kỳ họp thứ 8, sáng 26.11.
Tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm
Theo đó, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Số vụ phạm tội về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý ít hơn 53,46%.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang
Cũng theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.
Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.
Các vụ việc vi phạm hành chính cơ bản được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, số vụ xử phạt vi phạm hành chính tăng 2,12%.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm nhưng còn một số vi phạm phải xử lý hình sự. Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương... Vi phạm hành chính còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong tập trung nhận diện và chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế tội phạm bền vững, phấn đấu theo chỉ tiêu đã đề ra.
“Tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm” - Đại tướng Lương Tam Quang cho biết.
Lợi dụng kẽ hở giúp doanh nghiệp “lách luật”
Thẩm tra báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
“Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - bà Lê Thị Nga nói, đồng thời cho biết lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%. Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Cụ thể như một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.
“Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng…”, bà Lê Thị Nga cho biết thêm.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)